Các bà mẹ cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất nhằm giúp thai nhi có sự phát triển tốt.
Trong quá trình thai kỳ, dinh dưỡng của thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ ăn uống của mẹ. Vì thế, một chế độ ăn đầy đủ và phù hợp không chỉ giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh mà còn giúp cho người mẹ có đủ sức kháng và năng lượng để có một thể trạng khỏe mạnh khi mang thai và sau khi sinh.
Theo đó cũng cần lưu ý rằng, nhu cầu về vitamin và khoáng chất trong thai kỳ tăng lên đáng kể nhằm đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng của cả thai nhi cũng như cơ thể người mẹ.
Canxi
Canxi sẽ không thể thiếu trong giai đoạn thai kỳ giúp đảm bảo sự phát triển toàn diện của cơ thể người mẹ cũng như đáp ứng nhu cầu canxi của thai nhi. Khi mang thai, nhu cầu canxi của các bà mẹ sẽ tăng khoảng 1200mg/ ngày, so với mức 800mg/ ngày khi không mang thai.
Thiếu canxi có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như: mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, tê chân, đau lưng, rối loạn nhịp tim hay co giật.
Đối với thai nhi, thiếu canxi có thể gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, còi xương bẩm sinh và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của thai nhi. Trong trường hợp người mẹ không cung cấp đủ lượng canxi hàng ngày sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả hai mẹ con.
Chính vì vậy, việc bổ sung canxi ở giai đoạn thai kỳ rất quan trọng. Các bà mẹ hãy nạp canxi thông qua các sản phẩm từ sữa, tôm, cua, ngao, và nhiều rau xanh.
Sắt
Tương tự canxi, sắt đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu và sự phát triển của thai nhi. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng cảnh báo rằng, khi ở trong giai đoạn thai kỳ, nhu cầu sắt sẽ tăng lên đáng kể. Nếu thiếu sắt có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu ở người mẹ, làm tăng nguy cơ sinh non và gây ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi.
Vì vậy, việc đảm bảo cung cấp đủ sắt cho mẹ là vô cùng quan trọng. Một lời khuyên hữu ích dành cho các thai phụ là hãy ưu tiên bổ sung sắt từ thực phẩm động vật bởi chúng thường hấp thu tốt hơn so với thực phẩm thực vật.
Kẽm
Kẽm tham gia vào quá trình phát triển chiều cao của thai nhi và tạo nên một hệ thống miễn dịch. Thực phẩm từ nguồn động vật như thịt, cá, ốc, hến sẽ cung cấp kẽm một cách tốt nhất. Mặc dù các thức ăn thực vật cũng chứa kẽm, nhưng việc hấp thụ từ các nguồn này thường thấp hơn.
Iod
Iod thiếu hụt trong thai kỳ có thể gây nguy cơ sảy thai, đẻ non và các vấn đề khác. Nguồn iod chủ yếu đến từ các thực phẩm biển như cá biển, sò và rau câu. Để đảm bảo cung cấp đủ iod, phụ nữ mang thai nên cân nhắc và điều chỉnh việc sử dụng muối, bột canh nhằm tăng cường iod.
Vitamin A
Vitamin A không chỉ giúp cải thiện thị lực mà còn hỗ trợ tăng trưởng chiều cao của thai nhi. Thiếu vitamin A có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Vitamin D
Vitamin D sẽ giúp hấp thu canxi và phospho (phốt pho) nhằm đảm bảo sự phát triển xương và răng của thai nhi. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến tình trạng còi xương và sự phát triển không đầy đủ. Tắm nắng và các nguồn thực phẩm giàu vitamin D như phomai, cá và trứng là những cách để bổ sung vitamin D hiệu quả cho các bà mẹ.
Vitamin nhóm B
Nhóm vitamin B, bao gồm B1 và B2 sẽ tham gia vào quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng và hỗ trợ sự phát triển thần kinh của thai nhi. Đậu đỗ, ngũ cốc và hạt họ đậu là các nguồn dinh dưỡng tốt mà nhóm vitamin mang lại cho cả mẹ và con.
Theo vov