|
|
Không có gì lạ khi vaccine ngừa cúm gây ra các tác dụng phụ cho trẻ (Ảnh: Internet) |
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng dễ gặp biến chứng nghiêm trọng nếu bị cúm không được xử lý đúng cách. Vì thế tiêm vaccine phòng cúm là điều cần thiết hàng năm để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị cúm nghiêm trọng.
1. Vaccine phòng cúm có gây bệnh cúm không?
Có nhiều quan niệm sai lầm về việc tiêm phòng cúm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ và trẻ mới biết đi. Một trong những hiểu sai đầu tiên chính là cho rằng vaccine phòng cúm được sản xuất bằng virus sống và có thể gây cúm nếu tiêm.
Thực tế thì vaccine phòng cúm không được sản xuất bằng virus cúm, ngay cả với vaccine dạng thuốc xịt mũi mà là từ dạng virus suy yếu không có khả năng gây bệnh cúm ở trẻ. Hay nói cách khác, thuốc chủng ngừa cúm không gây ra bệnh cúm. Các tác dụng phụ là có thể xảy ra nhưng khi so sánh giữa lợi ích và rủi ro của các tác dụng phụ thì lợi ích mà việc tiêm ngừa mang lại nên được ưu tiên.
2. Các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm phòng cúm cho trẻ
Không có gì lạ khi vaccine ngừa cúm gây ra các tác dụng phụ cho trẻ, điều này đúng với mọi loại vaccine, nhất là với trẻ nhỏ mới được tiêm phòng lần đầu. Điều này cho thấy hệ miễn dịch của trẻ đang hoạt động tốt, sinh ra các phản ứng đáp ứng miễn dịch trong trường hợp có vi khuẩn xâm nhập sau này.
Nhưng cha mẹ cần nhớ rằng, hầu hết các tác dụng phụ này thường hết sau 1 - 2 ngày và chúng luôn nhẹ.
Các tác dụng phụ do tiêm vaccine phòng cúm có thể gặp bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đau nhức đầu
- Sốt nhẹ
- Đau cơ
- Buồn nôn
- Đau và sưng tại chỗ tiêm.
Nếu như các phản ứng dị ứng hiếm gặp xảy ra là s.ốc phản vệ có thể đe dọa tới tính mạng, vì thế khi cho trẻ tiêm phòng cần ở lại theo dõi ít nhất 30 phút để phát hiện nhanh những dấu hiệu bất thường. Nếu trẻ bị sưng phù mặt, khó thở, nôn mửa, nổi mề đay, chóng mặt, mạch đập nhanh hoặc ngất xỉu, cha mẹ cần nhanh chóng cho trẻ tới cơ sở y tế gần nhất.
Còn với các tác dụng phụ thông thường, cha mẹ có thể xử lý theo hướng dẫn từ cơ sở tiêm chủng. Lưu ý, với sốt sau tiêm, không cho trẻ uống aspirin để hạ sốt bởi thuốc này có thể gây ra một số hội chứng hiếm gặp nhưng nguy hiểm chẳng hạn như hội chứng Reye.
3. Các triệu chứng so với tác dụng phụ
Nếu con bạn cảm thấy không khỏe sau khi tiêm vaccine phòng cúm, đó có thể là tác dụng phụ sau tiêm. Tuy nhiên cũng có trường hợp trẻ tiếp xúc đồng thời trước đó với các trẻ mắc bệnh và bị lây dẫn tới các triệu chứng dễ nhầm lẫn.
|
|
Nếu con bạn cảm thấy không khỏe sau khi tiêm vaccine phòng cúm, đó có thể là tác dụng phụ sau tiêm (Ảnh: Internet) |
Điều quan trọng là cha mẹ phải sàng lọc được các yếu tố này bao gồm:
- Trẻ đã tiêm vaccine ngừa cúm trước đây chưa?
Nếu trẻ từng tiêm cúm một lần và không gặp phải các triệu chứng này thì không có khả năng các triệu chứng của trẻ là do vaccine gây ra
- Trẻ cảm thấy không khỏe bao lâu rồi?
Nếu một triệu chứng kéo dài hơn 2 ngày hoặc có dấu hiệu trở nặng hơn thì nguyên nhân do vaccine là không chắc. Trong trường hợp này bạn nên cho con tới gặp bác sĩ nhi khoa càng sớm càng tốt.
- Xung quanh trẻ có ai đang bị ốm không?
Nếu con bạn không khỏe sau khi tiêm phòng cúm, trước tiên hãy xem xét yếu tố xung quan trẻ có ai đang bị bệnh không để loại bỏ nguy cơ này. Nhất là với trẻ đang đi học, môi trường sinh hoạt chung này cũng dễ khiến trẻ bị mắc bệnh nếu như không được phòng ngừa kỹ.
- Trẻ có các triệu chứng cụ thể nào?
Do các tác dụng phụ sau tiêm phòng cúm khá không cụ thể nên cha mẹ cần quan sát kỹ các triệu chứng trẻ đang gặp là gì, chẳng hạn như với nghẹt mũi thì đây có thể là dấu hiệu trẻ bị bệnh thay vì là tác dụng phụ sau tiêm.
- Các triệu chứng bắt đầu từ khi nào?
Thường thì sau tiêm từ 6 đến 12 giờ các triệu chứng cúm sẽ xuất hiện. Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại sau 2 - 3 ngày thì có thể nguyên nhân không phải do tiêm ngừa.
Trong trường hợp trẻ gặp các triệu chứng tương tự nhau từ năm này sang năm khác thì có thể không phải là ngẫu nhiên. Bạn cần nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để kiểm tra trường hợp của trẻ có cần đình chỉ mũi tiêm phòng cúm hay không.
4. Khi nào nên cho trẻ chủng ngừa cúm?
Các bác sĩ khuyên rằng nên tiêm phòng cúm hàng năm cho trẻ thường vào mùa thu, bắt đầu từ khi trẻ được 6 tháng tuổi. Từ 6 tháng tuổi đến 8 tuổi, trẻ cần tiêm nhắc lại ít nhất 1 lần nữa để được bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, tiêm nhắc lại hàng năm vẫn là cách giúp trẻ tránh khỏi việc gặp phải các chủng cúm mới có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng.
CDC khuyên rằng, chủng ngừa cúm vào tháng 10 khi mùa cúm bắt đầu là tốt nhất. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là việc tiêm phòng cúm muộn không có tác dụng phòng bệnh.
Châu Anh