leftcenterrightdel
 Trẻ bị thủy đậu có thể cảm thấy không khỏe, khó chịu trong vài ngày. Ảnh: Medicalnewstoday.

Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng do virus varicella-zoster gây ra. Bệnh phổ biến và hầu hết ảnh hưởng trẻ em, nhưng mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Thông thường, trẻ em mắc bệnh thủy đậu trước 10 tuổi.

Hệ thống miễn dịch tạo ra các protein được gọi là kháng thể trong quá trình nhiễm trùng. Chúng chống lại virus, sau đó cung cấp sự bảo vệ suốt đời chống lại nó (miễn dịch). Do đó, việc mắc nhiều hơn một đợt bệnh thủy đậu trong đời là điều hiếm gặp.

Các triệu chứng phổ biến

Theo Mayo Clinic, bệnh thủy đậu có thể làm tăng thân nhiệt dẫn đến sốt, đau nhức cơ thể và đau đầu, thường bắt đầu sau hơn một ngày trước khi xuất hiện phát ban. Phát ban có thể gây ra các đốm, phát triển thành mụn nước nhỏ và ngứa, xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể. Phát ban bắt đầu trông giống những nốt đỏ, sau đó phồng rộp, rồi đóng vảy.

Trẻ nhỏ mắc thủy đậu dễ bị chán ăn hoặc khó bú. Một số trẻ cảm thấy không khỏe trong vài ngày. Những trường hợp khác chỉ xuất hiện triệu chứng ở mức độ nhẹ. Hầu hết đều ổn định trong vòng một tuần. Các mụn nước khô lại và đóng vảy. Chúng dần dần mờ đi nhưng có thể mất đến 2 tuần để biến mất hoàn toàn.

Cả 3 giai đoạn phát ban của bệnh thủy đậu (mụn đỏ, mụn nước và đóng vảy) đều xuất hiện trên cơ thể cùng một lúc. Phát ban có thể lan rộng hơn hoặc nghiêm trọng hơn ở những trẻ có hệ miễn dịch kém hoặc các bệnh về da như bệnh chàm.

Biến chứng do thủy đậu

Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), hầu hết trẻ bị thủy đậu hồi phục hoàn toàn và không có biến chứng. Thông thường, một hoặc nhiều biến chứng sau đây có thể xảy ra:

- Các vết này thường không để lại sẹo trừ khi bị trầy xước nặng.

- Viêm phổi và viêm não là những biến chứng hiếm gặp.

Do đó, dù rất hiếm khi xảy ra các biến chứng nghiêm trọng từ thủy đậu, tốt nhất bạn nên đề phòng. Đi khám bác sĩ nếu con bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng đáng lo ngại như vấn đề về hô hấp, yếu ớt, buồn gủ, co giật, đau đầu, phát ban nghiêm trọng hoặc có vết bầm tím, chảy máu trên da.

Những trẻ sinh ra từ phụ nữ bị nhiễm thủy đậu trong thời kỳ đầu của thai kỳ dễ bị nhẹ cân và có bất thường về tay chân. Khi người mẹ bị nhiễm thủy đậu trong tuần trước khi sinh hoặc trong vài ngày sau khi sinh, trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.

Một số trẻ có nguy cơ cao bị các biến chứng do bệnh thủy đậu. Nếu con bạn chưa mắc bệnh thủy đậu và thuộc một trong các nhóm sau, bạn nên đi khám bác sĩ khẩn cấp nếu trẻ tiếp xúc với người nhiễm virus này:

- Trẻ em (trẻ sơ sinh) dưới 1 tháng tuổi.

- Trẻ có hệ miễn dịch kém, ví dụ bị bệnh bạch cầu, bệnh miễn dịch hoặc HIV/AIDS.

- Trẻ đang dùng một số loại thuốc như steroid, thuốc ức chế miễn dịch hoặc hóa trị liệu.

- Trẻ bị bệnh tim hoặc phổi nặng.

- Trẻ có tình trạng da nghiêm trọng.

leftcenterrightdel
Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi hoặc có hệ miễn dịch kém dễ bị biến chứng nếu mắc thủy đậu. Ảnh: Motherly. 

Bệnh thủy đậu có lây không?

Một người bị bệnh thủy đậu rất dễ lây lan. Virus lây lan trong không khí từ người sang người. Nếu chưa từng mắc bệnh thủy đậu, bạn có nguy cơ nhiễm virus nếu ở cùng phòng với người bị bệnh hơn 15 phút; hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Cứ 10 người thì có 9 người chưa mắc bệnh thủy đậu sẽ mắc bệnh sau khi tiếp xúc theo cách này.

Một người bị bệnh thủy đậu có khả năng lây nhiễm từ 2 ngày trước khi xuất hiện phát ban cho đến khi chúng đóng vảy (thường là khoảng 5 ngày sau khi phát ban). Trẻ bị thủy đậu nên nghỉ học ít nhất 5 ngày kể từ khi bắt đầu phát ban cho đến khi tất cả nốt ban đã đóng vảy.

Theo zingnews