Không có thực phẩm nào thay thế được sữa mẹ

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thiên bẩm của người phụ nữ sinh ra có hạnh phúc lớn lao là được làm vợ, làm mẹ. Truyền thống của người phụ nữ Việt Nam đều mong muốn nuôi con bằng chính dòng sữa của mình, đó là một tập quán tốt và khoa học.

Ngày nay, với cơ chế thị trường nhiều thông tin quảng cáo về các chất bổ sung vào sữa bột giúp trẻ phát triển tốt về cân nặng và chiều cao, thông minh cùng với nhận thức chưa đúng của một số bà mẹ trẻ, gia đình có điều kiện đã coi sữa công thức có thể thay thế được sữa mẹ, thậm chí tốt hơn sữa mẹ.

Nuôi con bằng sữa mẹ để phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ - Ảnh 2.

Nuôi con bằng sữa mẹ để phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ.

Việc dùng sữa công thức là một trong những nguyên nhân làm cho trẻ từ chối sữa mẹ, vì thế khi sữa công thức tăng giá các bà mẹ vẫn phải mua cho con, nhất là thời kỳ bão giá như hiện nay. Nhiều bà mẹ thường xuyên than phiền và thực sự gặp khó khăn khi trẻ bị ốm, trẻ không chịu ăn sữa công thức, trong khi đó sữa mẹ lại không có (vì không cho trẻ bú mẹ) do việc lạm dụng sữa ngoài.

Đồng thời các bà mẹ cũng than phiền đã thay đổi nhiều loại sữa mà tình trạng dinh dưỡng của con chẳng có gì thay khác biệt. Sự kỳ vọng quá nhiều vào sữa công thức như các thông tin quảng cáo đã trở thành sự thất vọng cho các bà mẹ.

Các nhà dinh dưỡng đã đưa ra các khuyến cáo rằng không có một loại thực phẩm, thức ăn nào tốt hơn sữa mẹ, có thay thế được và phù hợp như sữa mẹ vì vậy duy trì và bảo về nguồn sữa mẹ cho trẻ là rất cần thiết và quan trọng.

Vì sao sữa mẹ lại tốt nhất cho trẻ nhỏ?

Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp, phù hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ.  Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng nguy cơ suy dinh dưỡng.

Sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn. Trong sữa mẹ có kháng thể là yếu tố bảo vệ cơ thể trẻ mà không một thức ăn nào có được. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh.

Cho con bú sữa mẹ sẽ thuận lợi và kinh tế vì không phụ thuộc và giờ giấc, không cần phải chế biến, không cần dụng cụ pha chế, mà lại rất tiện lợi. Trẻ bú sữa mẹ sẽ thuận lợi, kinh tế hơn nhiều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi người mẹ ăn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái sẽ có đủ sữa cho con bú.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp gắn bó tình mẫu tử, người mẹ có nhiều thời gian gần gũi tự nhiên, đó là yếu tố tâm lý quan trọng giúp cho việc phát triển hài hoà của đứa trẻ. Cho con bú góp phần kế hoạch hóa sinh đẻ và giảm tỷ lệ ung thư vú.

Nuôi con bằng sữa mẹ để phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ - Ảnh 3.

Dinh dưỡng trong sữa mẹ đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho trẻ.

Cách cho con bú

Nhiều bà mẹ sau khi sinh chỉ cho con bú khi căng sữa, người ta thường gọi là xuống sữa, như vậy là không đúng, vì nó càng làm sữa xuống chậm hơn. Tốt nhất, ngay sau khi sinh trong vòng một giờ đầu người mẹ nên cho trẻ bú. Bú càng sớm càng tốt.

Vì sữa mẹ tiết ra theo phản xạ, bú sớm có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Trẻ được bú sữa non sẽ có kháng thể phòng bệnh nhiễm trùng. Trẻ bú có tác dụng co hồi tử cung và cầm máu cho người mẹ sau sinh.

Số lần cho trẻ bú không gò bó theo giờ giấc mà tuỳ thuộc vào nhu cầu của trẻ. Cho trẻ bú bất cứ khi trẻ đòi ăn, nếu các bà mẹ nghĩ mình ít sữa thì lại cần cho trẻ bú nhiều để kích thích bài tiết sữa tốt hơn.

Khi cho trẻ bú, người mẹ ở tư thế thoải mái, có thể nằm hoặc ngồi, để toàn thân trẻ sát vào người mẹ: miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để động tác bú được tốt hơn. Thời gian cho bú tuỳ theo đứa trẻ. Cho trẻ bú đến khi trẻ no, tự rời vú mẹ. Sau khi bú hết một bên, nếu trẻ chưa đủ no thì chuyển sang vú bên kia.

Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cần cho trẻ ăn bất cứ loại thức ăn nào khác, kể cả nước. Khi trẻ bị bệnh, ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy, vẫn tiếp tục cho trẻ bú. Trẻ đẻ non yếu không bú mẹ được, hoặc trường hợp mẹ bị ốm, mẹ bị mắc 1 số bệnh mà không cho trẻ bú được, cần vắt sữa mẹ ra cốc và cho trẻ ăn bằng thìa hoặc trực tiếp uống bằng cốc.

Nên cho trẻ bú đến 18 tháng - 24 tháng tuổi, không cai sữa trẻ trước 12 tháng tuổi.

Khi cai sữa cho trẻ cần chú ý: Không cai sữa quá sớm, khi chưa có đủ thức ăn thay thế hoàn toàn sữa mẹ; Không nên cai sữa vào mùa hè nóng nực, vì trẻ kém ăn; Không nên cai sữa đột ngột dễ gây sang chấn tinh thần làm trẻ quấy khóc, biếng ăn; Không cai sữa khi trẻ bị ốm, nhất là khi bị tiêu chảy vì thức ăn thay thế trẻ chưa thích nghi được dễ dẫn tới rối loạn tiêu hoá, dễ gây hậu quả suy dinh dưỡng.

Sau khi cai sữa, cần có các chế độ ăn thay thế đảm bảo đủ chất cho trẻ, nhất là chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ...), chất béo (dầu, mỡ) và các loại rau, quả...

Bảo vệ nguồn sữa mẹ

Muốn có sữa cho con bú thì người mẹ ngay trong thời kỳ có thai cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, giúp người mẹ tăng cân tốt (tăng từ 10-12 kg), đó là nguồn dự trữ mỡ để sản suất sữa sau khi sinh.

Khi cho con bú, điều trước tiên cần phải quan tâm là người mẹ cần phải ăn đủ, uống đủ, ngủ đẫy giấc. Khẩu phần ăn của mẹ cao hơn mức bình thường. Hàng ngày ăn thêm vài bát cơm, một ít thịt, cá, trứng hoặc một ít rau đậu.

Nên ăn thêm quả chín để có đủ vitamin. Các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ hoặc vừng rang muối giã nhỏ ăn với xôi có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Nên hạn chế các thức ăn gia vị như ớt, hành, tỏi vì nó qua sữa gây mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.

Khi cho con bú, nên hạn chế dùng thuốc vì một số thuốc có thể qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa. Người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước nhất là nước cháo, nước hoa quả, sữa... (mỗi ngày khoảng 1,5 – 2,0 lít).

Vì sữa mẹ được tiết theo cơ chế phản xạ, cho nên tinh thần của người mẹ phải thoải mái, tự tin tránh những căng thẳng, buồn phiền, lo âu, mất ngủ. Chế độ lao động nghỉ ngơi sau khi sinh đẻ có ảnh hưởng đến bài tiết sữa.

Theo suckhoedoisong.vn