Ảnh: internet
Cơ thể trẻ sức đề kháng còn yếu nên trẻ rất dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt thời tiết lúc chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại virus xâm nhập cơ thể trẻ và gây bệnh. Các virus thường gây sốt như: Entero virus, sởi, thuỷ đậu, virus viêm não Nhật Bản. Những virus này có thể được truyền từ trẻ bị bệnh sang trẻ lành trong các lớp mẫu giáo hay từ những người chăm sóc gần gũi trẻ. Bệnh lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp, tiêu hoá và dễ trở thành các ổ dịch nếu không được được kiểm soát và điều trị tốt.
Cách nhận biết khi trẻ bị sốt do virus
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt như sốt do mọc răng, hoặc do phản ứng sau tiêm vaccin phòng bệnh. Khi sốt do virus, trẻ thường sốt cao 38- 390C, thậm chí 40 – 410C. Trong cơn sốt trẻ mệt mỏi và ít đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol, khi hạ sốt trẻ lại tỉnh táo. Kèm theo sốt là tình trạng đau mình mẩy, cơ bắp, ở trẻ nhỏ có thể quấy khóc. Một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, không vật vã. Hầu hết các trường hợp sốt virus đều biểu hiện viêm long đường hô hấp, chẳng hạn như trẻ bị ho, chảy nước mũi, hắt hơi và họng đỏ.
Các rối loạn tiêu hoá thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do virus đường tiêu hoá, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là phân lỏng, không có mùi và kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt. Trẻ có thể bị nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn đồng thời trẻ bị viêm hạch, đặc biệt là các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau. Những bệnh sốt do thuỷ đậu, sởi thì trẻ sẽ có phát các ban đỏ, thường xuất hiện 2 - 3 ngày sau khi sốt, sau khi xuất hiện ban thì trẻ đỡ sốt hơn.
Các triệu chứng trên thường xuất hiện ồ ạt, sau 3 - 5 ngày sẽ giảm dần và mất đi, trẻ dần trở lại khoẻ mạnh. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và điều trị tốt thì một số bệnh, chẳng hạn như sốt do viêm não Nhật Bản có thể làm trẻ suy giảm trí tuệ, thậm chí gây tử vong.
Cách chăm sóc trẻ bị sốt
Khi con bị sốt, điều quan trọng là phải hạ nhiệt, tránh các biến chứng suy hô hấp, co giật. Đến nay, hầu hết các bệnh do virus gây ra chưa có thuốc đặc hiệu,
chủ yếu là điều trị triệu chứng, vì thế các biện pháp thường được áp dụng là:
Hạ sốt: Thường dùng paracetamol theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc và chườm mát cho trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, cho trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Chú ý, hiện nay không khuyến cáo dùng nước đá chườm mát cho trẻ vì khi sốt các mạch máu của trẻ căng phồng, nếu đột ngột chườm đá lạnh sẽ gây ra những tổn thương khó lường.
Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,50C nên dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.
Bù nước và điện giải: Khi sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể trẻ. Nên dùng các thuốc có tác dụng bù lượng nước đã mất qua da và điện giải do sốt, ví như dùng oresol để uống, hoặc uống nước cháo loãng có pha thêm chút muối.
Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng các loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh bội nhiễm đường hô hấp.
Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu và giàu dinh dưỡng. Trẻ nhỏ cần cho bú mẹ nhiều hơn. Chú ý phải đưa trẻ đến khám ngay tại các bệnh viện chuyên khoa khi có các dấu hiệu sau:
Khi trẻ sốt cao trên 38,50C, đặc biệt là trên 390C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; trẻ xuất hiện các triệu chứng lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, buồn nôn, nôn khan nhiều lần và sốt kéo dài.
Sốt virus rất dễ gây thành dịch, khi trẻ bị nhiễm bệnh cần cách li với những trẻ khoẻ mạnh và giữ vệ sinh cho trẻ. Khi trẻ bị sốt, việc dùng thuốc phải thận trọng, không nên sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
ThS. Đỗ Hoa