1. Nguyên nhân polyp rốn ở trẻ sơ sinh
Polyp rốn ở trẻ sơ sinh nguyên nhân là do còn tồn tại một phần của niêm mạc ruột tại rốn. Thông thường ở chu kỳ trẻ trong bụng mẹ, ruột của trẻ thông với rốn và tháng cuối chuẩn bị sinh của thời kỳ mang thai phần niêm mạc này phải tiêu đi. Nhưng vì một lý do nào đó nếu phần này không tiêu sẽ gây ra tình trạng còn ống ruột polyp rốn - đây là một thể của bệnh còn ống ruột rốn.
Đến khi bé chào đời, dây rốn bị cắt sẽ để lại một đoạn ngắn ở rốn của trẻ, sau đó khoảng 2 tuần dây rốn sẽ khô và rụng mà không có bất kỳ biểu hiện khác thường nào. Nếu dây rốn đã rụng nhưng lại xuất hiện một khối u hạt rốn ở dưới chân rốn thì đấy là trẻ bị polyp rốn.
Giải thích về nguyên nhân này, các nhà nghiên cứu cho rằng chính tình trạng viêm, tức là sự có mặt của tế bào viêm ở gốc rốn, sẽ dẫn đến sự phát triển quá mức của biểu mô hoá và tế bào nội mô không hoàn toàn. Các kết luận cho thấy, polyp rốn hoàn toàn không đau nhưng có thể rỉ dịch vàng của huyết thanh, bởi chúng được cấu tạo do nhiều mạch máu nhỏ, nội mô, các nguyên bào sợi và tế bào viêm hoàn toàn không có tế bào thần kinh.
2. Nhận biết polyp rốn ở trẻ sơ sinh
Polyp rốn là một khối mô ẩm và đỏ xuất hiện trên rốn, khi chăm sóc rốn cho trẻ, cha mẹ sẽ nhìn thấy ở rốn trẻ sơ sinh có chồi hạt xuất hiện. Ngoài ra, polyp rốn có thể có các biểu hiện khác như: Tình trạng rỉ dịch có màu vàng, rốn thường xuyên ẩm, rốn và vùng xung quanh bị viêm có vẩy. Polyp rốn với nhiều kích thước khác nhau, polyp rốn thường không phải là bệnh lý đáng lo lắng ở trẻ sơ sinh, bệnh cũng không gây đau hoặc khó chịu cho trẻ. Nhưng do tình trạng polyp rốn sẽ tạo điều kiện cho rốn dễ bị nhiễm khuẩn, bởi rốn bị ẩm thường xuyên.
Trẻ sơ sinh nhiễm khuẩn thì sẽ có các biểu hiện như: Trẻ sẽ bị sốt, đau hoặc khó chịu khi bố mẹ chạm vào rốn hoặc mô xung quanh, rốn bị sưng đỏ. Cha mẹ tắm, vệ sinh rốn nếu chạm vào thì thấy ấm và rốn có thể chảy mủ. Nếu cha mẹ thấy tình trạng như vậy, cần cho trẻ sơ sinh đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
3. Polyp rốn chữa thế nào?
Nếu trẻ có polyp rốn, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và được điều trị. Vì trẻ mắc polyp rốn có thể dẫn đến nhiễm trùng rốn nếu không được điều trị thích hợp và sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
Về điều trị polyp rốn, có thể các bác sĩ sẽ dùng phương pháp chấm lên rốn nitrat bạc - chất này có tác dụng đốt cháy các mô. Cha mẹ yên tâm trẻ sẽ không bị đau do polyp rốn không có dây thần kinh, nhưng hiện nay các bác sĩ ít sử dụng phương pháp này bởi tỉ lệ khỏi bệnh không cao. Việc lựa chọn biện pháp phẫu thuật loại bỏ polyp rốn được sử dụng nhiều hơn, vì sẽ ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng. Ưu điểm của biện pháp này là thời gian phẫu thuật ngắn, sau phẫu thuật rốn trẻ sẽ khô và trở lại bình thường.
Để phòng tránh polyp rốn ở trẻ sơ sinh cha mẹ nên chú ý đến khâu chăm sóc rốn bé sơ sinh đúng cách. Ảnh minh hoạ.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng tránh polyp rốn ở trẻ sơ sinh, cha mẹ nên chú ý chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh đúng cách. Khi chăm sóc trẻ ở giai đoạn sơ sinh, nhất là rốn trẻ, cha mẹ cần phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sau đó dùng bông tăm thấm nước đun sôi để nguội hoặc nước muối sinh lý, rồi nhẹ nhàng lau sạch vùng rốn. Việc lau rốn cho trẻ cũng cần nhẹ nhàng, lau từ chân rốn, thân rốn rồi đến bề mặt của cuống rốn. Sau đó thay tăm bông sạch khác thấm lại cho khô vùng cuống rốn và chân rốn của trẻ.
Riêng đối với vùng da xung quanh rốn, cha mẹ nên dùng cồn 70 độ lau từ chân rốn ra ngoài. Và tuyệt đối không băng kín rốn, mà phải để rốn luôn thông thoáng. Không nên quấn tã lên rốn, vì dễ bị dính phân hay nước tiểu của trẻ thấm lên tã.
Tuyệt đối không rắc kháng sinh, các hóa chất, lá cây theo mách bảo... lên rốn của trẻ, đặc biệt mọi loại thuốc dùng cho trẻ, cha mẹ cần phải tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của y bác sĩ. Quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh nói chung và chăm sóc rốn nói riêng nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để khám, chẩn đoán và điều trị sớm.
Theo suckhoedoisong.vn