Nếu được lựa chọn đồ vật gì là "chân ái" hỗ trợ mẹ nhiều nhất trong việc chăm sóc con, chắc chắn câu trả lời hàng đầu của các mẹ chính là những chiếc bỉm giấy dùng một lần.
Từ khi bỉm xuất hiện, mẹ bỉm sữa đã nói lời tạm biệt với những khăn tã mà mỗi lần con tiểu tiện, đại tiện, mẹ phải giặt còng lưng; tạm biệt việc phải lau sàn suốt ngày mà trong nhà vẫn bốc mùi hôi khó chịu. Không những thế nhờ có bỉm, con không còn bị hăm bẹn, hăm da. Mẹ cũng không còn lo vi khuẩn gây bệnh tấn công con nữa... Cũng nhờ từ ngày con dùng bỉm, mẹ được ngủ ngon hơn, thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn.
Tuy nhiên tin đồn về việc cho con dùng bỉm nhiều sẽ dẫn đến việc trẻ bị vô sinh, chân vòng kiềng khiến nhiều chị em hoang mang.
1. Việc trẻ đóng bỉm bị vô sinh là không chính xác
Theo Ths.BS Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhiều bà mẹ lo ngại cho bé trai dùng bỉm khiến con vô sinh là hoàn toàn không chính xác. Nhiều mẹ hay nghĩ rằng, việc dùng bỉm giấy sẽ làm hẹp bao quy đầu của bé trai. Nhưng suy nghĩ này hoàn toàn không có cơ sở. Vị chuyên gia cho rằng, hẹp bao quy đầu ở trẻ có nhiều nguyên nhân, không liên quan đến dùng bỉm giấy. Có chăng là do các mẹ dùng sai cách, để con đóng bỉm nhiều giờ mà không thay khiến trẻ bị viêm nhiễm cơ quan sinh dục, trong đó có viêm bao quy đầu.
Hơn nữa bộ phận sinh dục của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn toàn, chỉ có chức năng đi vệ sinh chứ chưa có khả năng sản xuất tinh trùng. Sự tăng trưởng của các nội tiết tố nam testosterone mới kích thích sự sản sinh tinh trùng. Lúc này các con bước vào giai đoạn dậy thì khoảng 12-14 tuổi. Các yếu tố bên ngoài như chế độ dinh dưỡng, đồ bó sát hay ngồi nhiều... mới có thể tác động tới chất lượng tinh trùng.
2. Đóng bỉm không làm bé bị chân vòng kiềng
Chân vòng kiềng hay còn gọi là chân chữ O là chân khi đứng thẳng, khớp gối nghiêng vào trong làm cho hai đầu gối không sát nhau hoặc cẳng chân cong vào trong và có khe ở giữa.
Nhiều người nhất là các bà ngày xưa khi thấy mẹ đóng bỉm cho con thì không hài lòng vì lo sợ con sẽ đi chân vòng kiềng. Tuy nhiên bác sĩ Trần Thu Nguyệt (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam) đã giải đáp: "Chân vòng kiềng là do chế độ dinh dưỡng và phương pháp nuôi dưỡng của mỗi cha mẹ, hoàn toàn không phải do việc mặc bỉm".
Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc trẻ bị chân vòng kiềng:
- Cấu tạo xương bẩm sinh của trẻ.
- Mẹ cho trẻ tập đứng, tập đi quá sớm, bế cắp nách hoặc thường xuyên địu trẻ trên lưng.
- Tình trạng béo phì hoặc thừa cân nặng sẽ khiến chân của trẻ chịu một lực tải lớn hơn bình thường, tăng nguy cơ bị vòng kiềng.
- Trẻ thiếu vitamin D dẫn đến còi xương, hệ xương khớp phát triển không ổn định và dễ bị cong vẹo, vòng kiềng.
Tuy dùng bỉm cho bé không ảnh hưởng đến chuyện sinh sản, hay chân vòng kiềng nhưng mẹ vẫn cần lưu ý 1 số thông tin khác về cách sử dụng bỉm đúng cách như:
- Để bé không bị hăm ngứa và thoải mái khi đóng bỉm thì mẹ nhất thiết phải lựa chọn được loại bỉm chất lượng, có hệ thống thấm hút siêu nhanh và khóa chất lỏng không cho trào ngược lên trên.
- Kích thước chiếc bỉm không quá dày sao cho phù hợp với cân nặng của bé để không in những vết lằn trên đùi.
- Lựa chọn bỉm chính hãng, chất lượng và thấm hút tốt
- Vệ sinh sạch sẽ và thay bỉm cho con 2-3 tiếng/lần, kể cả khi bỉm vẫn nhẹ
- Khi con đại tiện cần vệ sinh và thay bỉm ngay
Hướng Dương HT