leftcenterrightdel
 

Khi mang thai, bà mẹ luôn mong muốn những gì tốt nhất cho con. Đó là lý do các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo chúng ta thêm trái cây, salad với đậu gà hoặc hạnh nhân.

Tuy nhiên, rất nhiều món ăn được xem là cấm kỵ với bà bầu, có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ lẫn thai nhi.

Hải sản chứa nhiều thủy ngân

Hải sản có thể là nguồn cung cấp protein dồi dào. Axit béo omega-3 trong nhiều loại cá có thể thúc đẩy sự phát triển não và mắt của bé. Tuy nhiên, một số loại cá và động vật có vỏ có chứa hàm lượng thủy ngân lớn, trở thành con dao hai lưỡi cho bà bầu lẫn thai nhi. Mẹ bầu ăn quá nhiều thủy ngân có thể gây hại cho hệ thần kinh đang phát triển của em bé.

Theo Mayo Clinic, cá càng lớn và lâu năm, hàm lượng thủy ngân trong thịt cá càng nhiều. Do đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo trong quá trình mang thai các mẹ bầu nên tránh: Cá ngừ mắt to, cá thu vua, cá cờ, cá cam nhám, cá kiếm, cá mập, cá nàng đào...

Một số loài cá khác vẫn có nhiều chất dinh dưỡng nhưng chứa ít thủy ngân hơn. Hướng dẫn chế độ ăn uống 2020-2025 cho người Mỹ khuyến nghị tiêu thụ 224-336 gram hoặc 2-3 phần hải sản mỗi tuần trong thời kỳ mang thai.

Bà mẹ cũng có thể ăn cá cơm, cá da trơn, cá tuyết, cá trích, cá ngừ đóng hộp nhạt, hàu, cá hồi, tôm, cá rô phi... Nếu ăn cá ngừ trắng, bạn chỉ nên nạp 168 gram mỗi tuần.

leftcenterrightdel
 Cá ngừ có nhiều chất dinh dưỡng bổ cho bà bầu lẫn thai nhi nhưng cũng không nên ăn quá nhiều. Ảnh:First Cry 

Hải sản sống, nấu chưa chín hoặc bị ô nhiễm

Trong hải sản sống, đông lạnh có thể chứa vi khuẩn, ký sinh trùng có hại mà mắt thường khó thấy được như Toxoplasmosis, Listeriosis, Salmonella. Đặc biệt, các loại hải sản có vỏ như hàu sống, ngao, sò điệp, cá hồi… có nguy cơ cao chứa nhiều vi khuẩn có hại. Phụ nữ mang thai không nên ăn những loại này.

Khi mang thai, hệ thống miễn dịch của mẹ bầu sẽ yếu hơn bởi cần tăng cường bảo vệ cho bé. Do đó, cơ thể sẽ khó chống lại các vi sinh vật gây bệnh hơn trước. Việc tiêu thụ hải sản sống, chưa nấu chín kỹ có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai, dị tật bẩm sinh cho trẻ. Chính vì thế, các mẹ bầu cần đặc biệt tránh xa các loại thực phẩm sống, không ăn hải sản kém chất lượng.

Ngoài ra, bà mẹ cũng chú ý đến nguồn gốc của hải sản. Khu vực nước bị ô nhiễm là vấn đề đáng lo. Nếu không chắc chắn về mức độ an toàn thực phẩm, đừng nên mạo hiểm ăn các hải sản, cá lạ.

Cách nấu hải sản đúng cách là nhiệt độ từ 63 độ C trở lên. Cá chín sẽ có màu đục, trong khi tôm hùm, sò điệp có màu trắng sữa. Ngao, trai, hàu chín là khi chúng mở miệng vỏ. Không nên ăn bất kỳ hải sản có vỏ nào chưa mở miệng.

Thịt, gia cầm và trứng chưa nấu chín

Khi mang thai, bạn có nhiều nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn. Phản ứng thậm chí có thể nghiêm trọng hơn so với lúc không mang thai. Dù vậy, hiếm khi ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến em bé.

Để ngăn ngừa bệnh do thực phẩm, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên:

- Nấu chín hoàn toàn tất cả loại thịt và gia cầm trước khi ăn. Sử dụng nhiệt kế đo thịt để đảm bảo.

- Xúc xích và thịt nguội nên được làm nóng. Các đồ ăn lạnh, đồ nguội có thể là nguồn lây nhiễm một số vi khuẩn đường ruột như listeria.

- Tránh ăn pate đã quá hạn, đồ hộp bị phồng.

- Nấu trứng cho đến khi lòng đỏ và lòng trắng trứng săn lại. Khoảng 10% số trứng chứa vi khuẩn gây bệnh Salmonella, nấm mốc hoặc ký sinh trùng. Vi khuẩn này được tìm thấy không chỉ trên vỏ trứng mà còn bên trong trứng, nhất là trứng không tươi. Ăn trứng bị nhiễm salmonella có thể bị ngộ độc thực phẩm.

leftcenterrightdel
 Thịt gia cầm chưa chế biến kỹ có thể mang nhiều vi khuẩn có hại cho bà bầu. Ảnh:Freepik. 

Thực phẩm chưa được khử trùng, trái cây chưa rửa

Nhiều sản phẩm từ sữa ít béo - chẳng hạn sữa tách béo, phô mai mozzarella và phô mai tươi - là thành phần cần bổ sung cho chế độ ăn uống của bà bầu. Tuy nhiên, bất cứ thứ gì chứa sữa chưa tiệt trùng đều là cấm kỵ với phụ nữ mang thai.

Trước khi sử dụng, sữa thường được tiệt trùng để diệt vi trùng và cải thiện thời hạn sử dụng. Sữa chưa tiệt trùng và các sản phẩm từ sữa như phô mai có thể chứa vi khuẩn như listeria gây ngộ độc thực phẩm. Điều này có thể ảnh hưởng đến bạn và thai nhi, thậm chí có thể dẫn đến sẩy thai hoặc thai chết lưu.

Kiểm tra nhãn để đảm bảo rằng sản phẩm bạn mua đã được thanh trùng. Bạn nên tránh ăn các loại phô mai mềm chưa được khử trùng.

Ngoài ra, trái cây, rau quả chưa rửa cũng là nguồn lây nhiễm vi khuẩn lớn cho phụ nữ mang thai. Rau mầm có thể chứa vi khuẩn bên trong, rất khó rửa sạch. Bà bầu nên tránh ăn rau mầm sống để tránh nhiễm trùng. Trước khi bạn ăn bánh mì kẹp thịt nguội hoặc thực phẩm chế biến sẵn khác, hãy kiểm tra xem chúng có chứa rau mầm sống hay không. Hãy đảm bảo rằng bạn đã rửa và nấu kỹ rau mầm để tiêu diệt mọi vi trùng gây bệnh.

Theo zingnews