ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, dù phụ nữ mang thai hút thuốc lá trực tiếp hay hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) thì những hóa chất trong khói thuốc cũng sẽ đi qua phổi và hòa vào trong máu. Sau đó, chúng đi vào nhau thai, gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Trẻ sinh ra nhẹ cân
Theo Hội Sản phụ khoa của Mỹ, những đứa trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thường nhẹ cân hơn so với những trẻ bình thường.
Trẻ kém phát triển về thể chất và trí tuệ
Trong thành phần của khói thuốc lá có chứa nicotin và carbon monoxide có thể làm hẹp mạch máu, trong đó có cả mạch máu tại dây rốn gây cản trở quá trình thai nhi nhận oxy và máu từ mẹ. Hậu quả nặng nề đứa trẻ phải hứng chịu chính là sự kém phát triển cả về thể chất và trí tuệ.
Trẻ bị dị tật bẩm sinh
Những đứa trẻ trong bụng các bà mẹ nghiện hút thuốc lá hay phơi nhiễm với khói thuốc lâu ngày sẽ có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn những đứa trẻ bình thường khoảng 2-3 lần.
Khói thuốc lá làm gia tăng các bệnh lý của thai nhi (Ảnh minh họa)
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh tăng lên
Khi khói thuốc lá ảnh hưởng đến thai nhi, một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất đó là sau khi ra đời, trẻ sẽ dễ bị hội chứng đột tử lúc sơ sinh (SIDS). Đó là cái chết xảy ra đột ngột và không rõ nguyên nhân trong 12 tháng đầu đời của trẻ.
“Khói thuốc lá gây ra rất nhiều tác hại nguy hiểm đối với thai nhi, không chỉ lúc con nằm trong bụng mẹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của con sau này. Chính vì vậy, phụ nữ có thai cần được sống trong một môi trường lành mạnh, tránh xa khói thuốc lá để bảo vệ chính mình và con yêu”, bác sĩ Thành nhắn nhủ.
Vì sao không tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc, bà bầu và thai nhi vẫn bị ảnh hưởng?
Nhiều người chồng thường có suy nghĩ, chỉ cần hút thuốc lá ở nơi khác, không hút trước mặt vợ, tránh cho vợ tiếp xúc với khói thuốc lá là có thể bảo vệ được cả mẹ và con.
Tuy nhiên, bác sĩ Thành cho rằng đó là quan điểm sai lầm.
“Khi không nhìn thấy khói thuốc bằng mắt thường, nhiều người nghĩ chúng đã “tan” vào không khí và biến mất. Tuy nhiên trên thực tế, các chất độc của khói thuốc vẫn đang treo lơ lửng trong không khí, sau đó người vợ đang mang trong mình đứa con yêu vẫn sẽ hít phải. Vì vậy, nếu người chồng vẫn tiếp tục hút thứ độc hại này, việc khói thuốc lá ảnh hưởng đến thai nhi là điều không thể tránh khỏi”, bác sĩ Thành lý giải.
Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của khói thuốc (Ảnh minh họa)
Chưa dừng lại ở đó, khói thuốc bay trong không khí sẽ bám trên rèm cửa, quần áo, ghế sofa…, tích tụ tại đó theo thời gian và không thể làm sạch chúng bằng cách thông thường. Điều này khiến không khí trong căn nhà của bạn tràn ngập các chất độc hại từ thuốc lá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà bầu và thai nhi.
“Do đó, bỏ thuốc lá là cách duy nhất để bạn bảo vệ sức khỏe của vợ và đứa con nhỏ chưa chào đời cũng như bảo vệ sức khỏe của chính bản thân”, bác sĩ Thành khuyến cáo.
Theo giadinhonline.vn