Đa số mọi người đều có những thói quen bị xem là kỳ lạ, chẳng hạn như phối quần áo trùng màu từ đầu đến chân hoặc muốn mọi thứ phải được sắp xếp cân đối, gọn gàng.

Những hành vi trên thường được gắn với hội chứng OCD - rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Tuy nhiên, hội chứng tâm lý này không đơn thuần là thói quen ngăn nắp, sạch sẽ quá mức. Trên thực tế, nó có thể kích động những cơn lo âu, gây cản trở hoạt động của người bệnh tại trường học, nơi làm hoặc ở nhà, theo New York Times.

Người mắc OCD thường bất chợt xuất hiện suy nghĩ lặp đi lặp lại, dẫn đến hành động cực đoan. Ví dụ, với một người sợ vi khuẩn, việc bắt tay ai đó sẽ khiến họ rửa tay 10, 20 hoặc thậm chí 30 lần để đảm bảo sạch sẽ.

Đại dịch Covid-19 làm mọi thứ tồi tệ hơn. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối tương quan giữa trải nghiệm đau thương và khả năng mắc OCD với triệu chứng nặng hơn.

Một người mắc OCD, vốn đã cảm thấy vi khuẩn ở khắp nơi, sẽ càng lo lắng trước sự lây lan của biến chủng virus SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu của Đan Mạch, công bố vào tháng 10/2020, cho thấy giai đoạn đầu của đại dịch đã làm gia tăng sự lo âu cùng các triệu chứng khác ở người mới được chẩn đoán mắc OCD và bệnh nhân từng điều trị tâm lý, thuộc độ tuổi 7-21.


Nguyên nhân và ảnh hưởng

Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường có nguyên nhân di truyền. Các thành viên trong gia đình có thể bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau.

Những triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện ở thời thơ ấu hoặc thiếu niên. Tỷ lệ mắc OCD là 1-2% ở thanh thiếu niên và khoảng 2.5% ở người lớn. 50% bị tổn hại nặng nề, 35% chịu ảnh hưởng vừa phải và 15% có triệu chứng nhẹ.

Không khó để thấy chứng rối loạn này ảnh hưởng cuộc sống ra sao.

Chẳng hạn, một người mắc OCD ám ảnh với việc quên khóa cửa sẽ liên tục đóng, mở cửa nhiều lần.

Hoặc, họ có thể trở nên căng thẳng quá mức và nghĩ rằng thảm họa sẽ xảy ra nếu không tuân thủ một thói quen nghiêm ngặt như tắt, bật đèn 10 lần trước khi bước ra khỏi phòng.

Một số người bị ám ảnh bởi những suy nghĩ cấm kỵ về tình dục, tôn giáo hoặc nỗi sợ làm hại bản thân và người khác.


Các biện pháp trị liệu

"Cho đến giữa những năm 1980, OCD từng bị xem là không thể chữa trị", Caleb W. Lack, giáo sư tâm lý học tại Đại học Central Oklahoma, cho biết.

Hiện nay, đã có 3 phương pháp được kiểm chứng là hiệu quả, ngay cả với những người bị nặng: trị liệu tâm lý, dược lý học và kích thích từ xuyên sọ (TMS - truyền xung từ trường để thay đổi chức năng điện thần kinh của vùng não tương ứng).

Ban đầu, đa số bệnh nhân thường được giới thiệu một kiểu trị liệu nhận thức hành vi mang tên phương pháp tiếp xúc và ngăn ngừa phản ứng.

Người bệnh bắt đầu bằng cách tiếp xúc với những thứ ít gây lo lắng nhất. Ví dụ, người ám ảnh với nỗi sợ bẩn sẽ phải nhìn một mẩu giấy ăn đã dùng và cố gắng kháng cự phản ứng cưỡng chế như rửa tay nhiều lần.

Đồng thời, họ được dạy cách trò chuyện với bản thân, xem xét những suy nghĩ phi lý trí đang diễn ra trong đầu, tới khi mức độ lo âu giảm xuống.

Khi họ nhận ra việc tiếp xúc không đem lại bệnh, quá trình trị liệu có thể tiến triển đến mức cao hơn, như để bệnh nhân chạm vào mẩu giấy, cho đến khi họ vượt qua nỗi sợ bẩn.

Với những người quá sợ hãi, việc trị liệu có thể kết hợp thuốc chống trầm cảm, lo âu.

Điểm sáng trong đại dịch là nhiều bệnh nhân có thể điều trị từ xa qua các dịch vụ y tế trực tuyến. Việc này rất có lợi cho những người không thể hoặc không dám rời nhà.

Những người mắc OCD nặng có thêm lựa chọn mới: kích thích từ xuyên sọ (TMS), giúp kích thích tế bào thần kinh và chuyển hướng mạch thần kinh liên quan đến suy nghĩ ám ảnh cưỡng chế.

“Bộ não của người mắc OCD như bị kẹt trong lối mòn, và TMS giúp mạch thần kinh chuyển sang một con đường mới", tiến sĩ Lack giải thích.

Trong nghiên cứu được công bố vào tháng 5 với 167 bệnh nhân OCD tại 22 phòng khám, 58% cải thiện đáng kể sau khoảng 20 buổi điều trị TMS.

Theo Zing