|
|
Trầm cảm biểu hiện ở mức độ nhẹ đến trung bình và nghiêm trọng. (Ảnh: ITN) |
Trầm cảm biểu hiện ở mức độ nhẹ đến trung bình và nghiêm trọng, với các triệu chứng bao gồm kém ăn, khó ngủ, thiếu hứng thú với các hoạt động hàng ngày và thường xuyên có ý nghĩ tự tử.
Ngoài những cảm giác kể trên, chứng trầm cảm ở phụ nữ còn tồn tại một số triệu chứng khác.
Cảm giác tội lỗi, vô giá trị và vô vọng
Cảm giác tội lỗi, thiếu tự tin và viễn cảnh ảm đạm là những triệu chứng lâm sàng đặc trưng của bệnh trầm cảm.
Một số phụ nữ có thể bộc lộ cảm giác tội lỗi cao độ, đổ lỗi quá mức cho bản thân về những sai lầm mà họ đã mắc phải. Khi mắc trầm cảm, phụ nữ thường tự trách mình nhiều hơn so với nam giới.
Sự lo lắng
Phụ nữ bị trầm cảm dễ bị lo lắng và sợ hãi. Lo lắng không chỉ đơn giản là cảm giác bất an vì điều gì đó đã xảy ra hoặc sắp xảy ra. Rối loạn lo âu tác động mạnh mẽ vào sự yên bình trong tâm hồn của một người, tấn công họ đến mức ám ảnh về những điều nhỏ nhặt nhất và dẫn đến mức hoang tưởng.
Một cơn lo âu có thể đẩy người phụ nữ vào hố sâu hơn của bóng tối, khiến việc thoát ra ngoài trở nên vô cùng khó khăn.
Sự cách ly
|
|
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ bao gồm các yếu tố sinh học, tính cách và tâm lý. (Ảnh: ITN) |
Một số phụ nữ bị các triệu chứng trầm cảm nhận thấy hoạt động xã hội quá sức và kết quả là tìm cách cô lập.
Sự cô lập hoặc tránh né hoạt động xã hội và tiếp xúc xã hội là một phần của tình trạng được gọi là adhedonia về mặt y học, đó là sự mất đi cảm giác thích thú trong các hoạt động từng là thú vui.
Đây là đặc điểm trung tâm của trầm cảm. Adhedonia là một trong những dấu hiệu sớm nhất của chứng rối loạn.
Mệt mỏi
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tâm thần học năm 2004, mệt mỏi là một triệu chứng trầm cảm thường xảy ra ở phụ nữ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí European Neuropsychopharmacology năm 2000 cho thấy 73% trong số 78.463 người được hỏi cho biết mệt mỏi là một triệu chứng trầm cảm chính.
Cụ thể, chất dẫn truyền thần kinh trong não của chúng ta được gọi là serotonin chịu trách nhiệm tạo ra cảm giác hạnh phúc. Epinephrine, một chất dẫn truyền thần kinh khác, chịu trách nhiệm tạo ra năng lượng. Trong trầm cảm lâm sàng, nồng độ serotonin do não sản xuất bị ức chế, dẫn đến sản xuất epinephrine thấp hơn. Quá trình này dẫn đến mệt mỏi mãn tính.
Khó chịu và tức giận
Cùng với cảm giác tuyệt vọng tràn ngập, một nhóm cảm xúc khác đặc trưng của trầm cảm là cáu kỉnh và tức giận.
Phụ nữ bị trầm cảm có thể suy sụp trước những hoàn cảnh tưởng chừng như tầm thường nhất. Với chứng trầm cảm, bất cứ điều gì cũng có thể gây ra sự bùng phát.
Theo các nghiên cứu gần đây, các triệu chứng khó chịu và tức giận khi trầm cảm có thể là dấu hiệu lâm sàng của một dạng rối loạn trầm cảm nặng và phức tạp hơn.
Yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ bao gồm các yếu tố sinh học, tính cách và tâm lý.
Một số chuyên gia tin rằng phụ nữ có nguy cơ trầm cảm cao hơn do sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong suốt cuộc đời của họ.
Từ tuổi dậy thì đến khi mang thai và mãn kinh, phụ nữ phải đối mặt với nhiều biến động về hormone góp phần gây ra trầm cảm.
Những phụ nữ phải làm việc để nuôi gia đình, những người làm mẹ đơn thân hoặc những phụ nữ phải chịu nhiều căng thẳng hơn do cuộc sống hàng ngày của họ có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn.
Các yếu tố khác góp phần vào sự phát triển trầm cảm ở phụ nữ bao gồm:
- Tiền sử rối loạn tâm trạng trong những năm đầu sinh sản.
- Tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn tâm trạng.
- Căng thẳng tâm lý hoặc xã hội đang diễn ra.
- Mất cha mẹ trước 10 tuổi.
- Sử dụng một số loại thuốc.
- Bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục khi còn nhỏ.
- Mất hệ thống hỗ trợ xã hội.
Cách điều trị trầm cảm ở phụ nữ
|
|
Phương pháp điều trị cần linh hoạt để phù hợp với từng cá nhân. (Ảnh: ITN) |
Mặc dù trầm cảm là một tình trạng lan rộng và thường gây suy nhược nhưng nó có thể điều trị được nếu có sự can thiệp và hỗ trợ phù hợp.
Can thiệp sớm là rất quan trọng, tìm cách điều trị càng sớm sau khi nhận thấy các dấu hiệu trầm cảm ở phụ nữ thì việc chăm sóc sẽ càng hiệu quả hơn.
Hầu hết các phương pháp điều trị trầm cảm đều bao gồm sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và thuốc men với các lựa chọn về phương pháp chăm sóc chuyên sâu hơn.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị cần linh hoạt để phù hợp với từng cá nhân. Dưới đây là một số lựa chọn điều trị trầm cảm phổ biến.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là một trong hai thành phần chính của hầu hết các chương trình điều trị trầm cảm. Nó liên quan đến việc tư vấn hoặc trị liệu bằng trò chuyện để giúp mọi người thay đổi lối suy nghĩ và thay đổi hành vi của họ theo thời gian.
Một số phương pháp trị liệu phổ biến bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức và liệu pháp hành vi biện chứng. Những phương pháp chăm sóc dựa trên bằng chứng này đã được chứng minh là làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và giúp cải thiện chức năng theo thời gian.
Điều trị sức khỏe tâm thần
Các chương trình điều trị sức khỏe tâm thần là cách tiếp cận chăm sóc toàn diện hơn. Những người đang vật lộn với chứng trầm cảm suy nhược nghiêm trọng sẽ tìm thấy sự hỗ trợ và cấu trúc cần thiết để kiểm soát các triệu chứng và học cách sống chung với tình trạng của mình.
Điều trị nội trú
Điều trị nội trú là phương pháp điều trị chuyên sâu nhất về sức khỏe tâm thần đối với bệnh trầm cảm, bao gồm các giờ điều trị toàn thời gian trong tuần cũng như thời gian điều trị nội trú vào buổi tối. Những người điều trị nội trú sẽ cư trú tại cơ sở trong suốt thời gian tham gia chương trình và sau đó chuyển sang mức độ chăm sóc ít chuyên sâu hơn.
Bất chấp những cảm giác chán nản kể trên, trầm cảm vẫn có thể điều trị được. Nếu bạn hoặc một người phụ nữ nào đó trong cuộc sống của bạn đang phải vật lộn với các triệu chứng trầm cảm, hãy nhớ rằng có những điều bạn có thể tác động để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn.
Sự tàn phá của chứng trầm cảm không nhất thiết phải đeo bám bạn cả đời. Luôn có sự trợ giúp để bạn trút bỏ gánh nặng trầm cảm. Trong trường hợp cần thiết, hãy liên hệ với chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần để giúp bạn bắt đầu trên con đường phục hồi thực sự.
Theo giaoducthoidai