leftcenterrightdel
 Hình minh họa nhân viên Văn phòng An ninh y tế quốc gia Thái Lan (NHSO) trực đường dây nóng. Nguồn NHSO

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nijasri Charnnarong của Đại học Chulalongkorn, chương trình có tên AI DMIND, do nhóm các chuyên gia, nhà khoa học từ Đại học Chulalongkorn, Văn phòng An ninh y tế quốc gia (NHSO) và Cục Sức khỏe tâm thần phát triển.

Các nhà khoa học đã xây dựng chương trình này trên cơ sở ứng dụng công nghệ AI để phân tích giọng nói được ghi lại và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu về sức khỏe tâm thần của Cục Sức khỏe tâm thần. Chương trình này sau đó được tích hợp vào dịch vụ Line của Văn phòng An ninh y tế quốc gia, cho phép đánh giá ngay lập tức tình trạng sức khỏe tâm thần của người sử dụng dịch vụ.

Sau khi một cá nhân sử dụng dịch vụ được phát hiện có dấu hiệu trầm cảm hoặc ý định tự tử, các bác sỹ tâm lý của Cục Sức khỏe tâm thần sẽ được thông báo thông qua hệ thống đường dây nóng về sức khỏe tâm thần. Nhóm các bác sỹ tâm lý này sẽ liên hệ và gặp gỡ cá nhân có dấu hiệu để đánh giá sâu thêm về tình trạng của họ và tư vấn liệu trình chăm sóc phù hợp.

Theo Giáo sư Nijasri, một nhóm các bác sỹ tâm thần giàu kinh nghiệm ở Thái Lan đã kiểm chứng và khẳng định tính chính xác của chương trình phát hiện sơ bộ các vấn đề sức khỏe tâm thần này. Trong bối cảnh tình trạng trầm cảm và các bệnh tâm thần khác đang có xu hướng gia tăng ở Thái Lan, việc phát triển chương trình này sẽ giúp giảm bớt tình trạng quá tải tại các bệnh viện và trung tâm y tế, qua đó góp phần phát hiện và can thiệp sớm đối với các cá nhân có dấu hiệu mắc bệnh.

Giáo sư Nijasri cho biết, số ca mắc bệnh tâm thần được chẩn đoán đã tăng gần gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2021. Trong năm 2023, có tới 1,5 triệu người từ 15 tuổi trở lên ở Thái Lan được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm.

Theo vov