Tiêu chảy kéo dài khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng. Tình trạng này đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, người già hay người có miễn dịch yếu, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
|
Một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm nhanh triệu chứng tiêu chảy
|
Nguyên nhân thường gặp gây tiêu chảy là do viêm dạ dày ruột. Đây là tình trạng viêm do virus gây ra, xảy ra sau khi ăn thực phẩm hoặc tiếp xúc vật bị nhiễm virus gây bệnh.
Các nguyên nhân khác gây tiêu chảy gồm xạ trị, hấp thu kém thức ăn, tác dụng phụ của thuốc, dị ứng, không dung nạp thực phẩm, nhiễm trùng hay ngộ độc thực phẩm.
Dù tiêu chảy thường sẽ hết sau vài ngày nhưng một số cách có thể giúp tình trạng này mau khỏi. Cách đầu tiên cần nghĩ đến đó là dùng thuốc. Một số loại thuốc trị tiêu chảy sẽ có hiệu quả nhanh chỉ sau một liều uống và có thể mua dễ dàng ở tiệm thuốc mà không cần toa bác sĩ.
Tuy nhiên, Viện Quốc gia về bệnh tiểu đường, tiêu hóa và bệnh thận Mỹ (NIDDK) cảnh báo không nên dùng thuốc trị tiêu chảy cho những người đang bị sốt hay đại tiện ra máu. Đây là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đã bị nhiễm ký sinh trùng hay nhiễm khuẩn.
Với trẻ em, cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con uống các loại thuốc không kê đơn trị tiêu chảy, theo Medical News Today.
Uống nhiều nước đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể phục hồi. Vì phân lỏng sẽ rút nước ra khỏi cơ thể, dễ dẫn đến thiếu nước và xuất hiện các triệu chứng như khát nước, chóng mặt, mệt mỏi. Sau mỗi lần đi vệ sinh, bệnh nhân tiêu chảy cần uống ít nhất một ly nước để bù lại lượng nước đã mất.
Chế độ ăn phù hợp cũng giúp người bệnh mau khỏi. Ưu tiên ăn các món có nhiều chất xơ như rau củ, trái cây. Người bệnh cần tránh xa các món cay, nhiều chất béo, đồ chiên xào, soda và thức uống nhiều caffein như cà phê.
Theo Thanh niên