Tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Nguyên nhân gây bệnh suy thận mạn là do viêm cầu thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận tắc nghẽn, di truyền... Đặc biệt, suy thận cũng do tình trạng ăn uống không khoa học; nhiễm độc do thuốc, thói quen tùy tiện dùng thuốc không có sự hướng dẫn của bác sĩ, dùng thuốc giảm đau kéo dài...
Trong giai đoạn sớm của bệnh suy thận, các dấu hiệu lâm sàng thường mơ hồ, không rõ rệt, chỉ được phát hiện qua xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm.
Đến giai đoạn muộn, người bệnh suy thận thường có các biểu hiện như nôn, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, giảm lượng nước tiểu, đau cơ, chuột rút, phù chân, phù mắt cá chân, ngứa, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi…
Suy thận mạn không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần của người bệnh mà còn để lại những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh suy thận bị giữ nước, dẫn đến phù, huyết áp cao hoặc phù phổi. Nồng độ kali trong máu tăng đột ngột có thể làm giảm chức năng tim và có thể đe dọa tính mạng.
Bên cạnh đó, bệnh còn dẫn đến biến chứng tại nhiều cơ quan trong cơ thể như loét đường tiêu hóa, chảy máu đường tiêu hóa, co giật, hôn mê, xuất huyết não do tăng huyết áp, nhồi máu não do xơ vữa động mạch, rối loạn kinh nguyệt, giảm hưng phấn tình dục, vô sinh, cường chức năng tuyến cận giáp thứ phát, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim…
Để phòng tránh bệnh suy thận một cách hiệu quả, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ. Nếu phát hiện mắc bệnh, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên tự ý điều trị.
Song song đó, người bệnh cần kiểm soát chế độ ăn uống hằng ngày, hạn chế ăn mặn, không uống thuốc tùy tiện, lạm dụng thuốc; nên duy trì thể dục thể thao, kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.
Theo Thanh niên