1. Chế độ ăn uống không phù hợp có thể gây khởi phát hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích là vấn đề tiêu hóa rất phổ biến. Người bị hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng đau bụng và rối loạn tiêu hoá như ăn sáng xong lại đau bụng, muốn đi ngoài, tiêu chảy hoặc táo bón, hoặc phân lỏng và táo bón xen kẽ.
Ngoài ra thường bị đầy hơi, tức nặng bụng, trung tiện nhiều…
Theo ThS. BS Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng những triệu chứng của hội chứng ruột kích thích khiến người bệnh luôn khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố được cho là điều kiện thuận lợi để khởi phát hội chứng ruột kích thích như: Tình trạng căng thẳng thần kinh, suy nghĩ lo âu quá nhiều; nhiễm khuẩn đường ruột; dùng kháng sinh kéo dài; thay đổi thời tiết; liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt…
Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng lớn đối với người bị hội chứng ruột kích thích. Tuỳ theo cơ địa mỗi người, khi ăn một số thực phẩm không phù hợp có thể gây khởi phát triệu chứng hội chứng ruột kích thích.
Người bị hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng đau bụng và rối loạn tiêu hoá.
2. Cách ăn uống giúp kiểm soát triệu chứng khó chịu của hội chứng ruột kích thích
Khi bị hội chứng ruột kích thích, người bệnh có thể thấy các triệu chứng của mình xuất hiện hoặc được cải thiện tuỳ vào các yếu tố như căng thẳng, bệnh tật, thực phẩm hoặc cách ăn uống cụ thể.
Không có khuyến nghị chung về chế độ ăn uống phù hợp với tất cả người bệnh vì cơ địa và triệu chứng (tiêu chảy hoặc táo bón) ở mỗi người khác nhau. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo một số cách ăn uống sau có thể giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
2.1. Tránh những loại thực phẩm không phù hợp với cơ thể
Khi ăn một loại thực phẩm hoặc đồ uống cụ thể mà có biểu hiện đau bụng rối loạn tiêu hóa vài lần thì người bệnh nên hạn chế, tốt nhất nên loại bỏ chúng ra khỏi chế độ ăn uống. Khi đã loại bỏ đồ ăn có thể gây kích thích mà các triệu chứng của bệnh không cải thiện sau một vài tuần thì có thể bổ sung thực phẩm này trở lại.
2.2. Tránh thực phẩm gây đầy hơi
Đầy hơi là một triệu chứng phổ biến ở người bị hội chứng ruột kích thích. Vì vậy, để tránh làm trầm trọng thêm triệu chứng này, người bệnh cần loại bỏ các thực phẩm dễ sinh hơi như thức uống có gas, rau củ như bắp cải…
Cần loại bỏ thực phẩm dễ sinh hơi như nước uống có gas.
2.3. Tránh thực phẩm chứa gluten
Một số trường hợp người bệnh có biểu hiện không dung nạp gluten. Gluten là một loại protein có trong ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen. Một người không dung nạp hoặc nhạy cảm với gluten có thể bị đau bụng và đầy hơi sau khi ăn thực phẩm có chứa gluten.
Vì vậy, nếu có biểu hiện không dung nạp gluten người bệnh nên tránh thực phẩm có chứa loại protein này như: bánh mì, mì ống, bánh quy, một số loại bia…
2.4. Tránh thức ăn nhiều chất béo
Ăn quá nhiều chất béo có thể gây đầy hơi, khó tiêu, làm trầm trọng hơn các triệu chứng ruột kích thích. Các thực phẩm giàu chất béo bao gồm: pho mát, kem tươi, kem, xúc xích, thịt xông khói, thực phẩm chiên, bánh ngọt…
Thay vào đó nên ăn các loại chất béo lành mạnh như dầu ô liu, bơ, các loại hạt… Chọn sữa ít béo, sữa chua nguyên chất, thịt nạc…
2.5. Chọn chất xơ phù hợp
Có một số trường hợp người bệnh nhận thấy khi ăn quá nhiều hoặc quá ít chất xơ có thể làm cho các triệu chứng bệnh trầm trọng hơn. Vì vậy, nên thử biện pháp giảm chất xơ (nếu ăn nhiều) và thử tăng lượng chất xơ từ từ (nếu ăn quá ít) và xem các triệu chứng có cải thiện hay không.
Đặc biệt cần lưu ý tác dụng của hai loại chất xơ chính để có cách điều chỉnh phù hợp.
- Chất xơ hòa tan hấp thụ thêm nước trong ruột kết và tạo thành một lớp gel dày làm mềm phân. Nó có thể giúp giảm tiêu chảy và táo bón. Yến mạch là thực phẩm giàu chất xơ hòa tan tốt.
- Chất xơ không hòa tan làm tăng khối lượng phân và có thể giúp bạn đi tiêu đều đặn và không bị đau. Chất xơ không hòa tan được tìm thấy trong cám lúa mì, ngũ cốc nguyên cám và các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên cám và mì ống và gạo lứt.
Nếu bạn thấy những thực phẩm này làm cho các triệu chứng của mình xấu hơn, hãy hạn chế chúng và thay vào đó hãy ăn những thực phẩm có chất xơ hòa tan.
Yến mạch là thực phẩm giàu chất xơ hòa tan tốt.
2.6. Ăn khoa học để cải thiện sức khoẻ hệ tiêu hóa
- Ăn vào các thời điểm đều đặn mỗi ngày, khoảng cách giữa các bữa ăn hợp lý
- Ăn chậm, nhai kỹ
- Khi ăn không nên làm việc, xem tivi hay căng thẳng
- Không ăn quá no
- Tránh ăn khuya
- Không sử dụng các chất kích thích như rượu, cafe, gia vị mạnh…
Theo suckhoedoisong.vn