1. Liệu pháp xoa bóp ngược dòng là gì?
TS. Mohamad Hassan, chuyên gia vật lý trị liệu tại Chicago, Mỹ cho biết, xoa bóp ngược dòng là biện pháp đẩy chất lỏng gây ra phù nề bàn tay, từ các ngón tay trở lại tim để có thể được tái hấp thu vào máu.
Phù nề bàn tay là tình trạng sưng do tích lũy dịch dư thừa trong mô ngoài mạch máu (mô kẽ) trên cơ thể. Biểu hiện này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng liệu pháp xoa bóp ngược dòng thích hợp với các trường hợp phù nề bàn tay khi thiếu vận động do chấn thương, trường hợp phải bó bột hoặc đột quỵ gây liệt nửa người khiến khả năng cử động tay hoặc làm việc hàng ngày bị cản trở.
Tuy nhiên, liệu pháp này cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn, theo dõi của bác sĩ chuyên khoa về mức độ, cường độ và thời gian tiến hành để đạt hiệu quả cao nhất.
2. Xoa bóp ngược dòng được thực hiện thế nào?
- Bạn có thể thực hiện liệu pháp này ở tư thế nằm, ngồi hoặc đứng.
- Thực hiện với tay bị sưng (phù nề), nâng cánh tay ở vị trí cao hơn tim, sử dụng gối khi cần thiết.
- Bôi một loại kem (dưỡng da) lên phần bị sưng của bàn tay để giảm ma sát trong quá trình xoa bóp.
- Bắt đầu từ các đầu ngón tay, xoa bóp hướng lên các đốt ngón tay và lên cổ tay. Xoa bóp tất cả các khu vực của ngón tay và bàn tay, cả mặt trước và mặt sau.
- Tiếp tục xoa bóp từ từ lên trên cẳng tay.
- Thực hiện trong khoảng 10-15 phút với lực xoa bóp đều ở cánh tay.
Lưu ý: Lực xoa bóp chặt hơn ở các ngón tay và giảm khi di chuyển lên bàn tay để hỗ trợ khả năng di chuyển của chất dịch.
Khuyến khích người bệnh kết hợp vận động tay trong hoạt động hàng ngày và thực hiện một số động tác đơn giản như nắm tay, co duỗi bàn tay… để đẩy nhanh quá trình giảm phù nề.
Xoa bóp ngược dòng giúp rút ngắn thời gian phù nề bàn tay.
3. Vì sao liệu pháp cần thực hiện dưới hướng dẫn của chuyên gia?
Nguồn gốc của phù nề bàn tay có thể do một số nguyên nhân khác: Điều này có thể làm cho việc xoa bóp trở nên nguy hiểm. Ví dụ, một bệnh nhân đột quỵ có thể bị thương ở tay mà không nhận ra, gây phù nề, trong trường hợp đó xoa bóp có thể làm vết thương trầm trọng hơn.
Phù nề cũng có thể do huyết khối tĩnh mạch sâu, có nghĩa là cục máu đông, trong trường hợp này, xoa bóp có thể đưa cục máu đông đến phổi gây nguy hiểm.
Hệ thống tuần hoàn có thể không xử lý được khi chất lỏng nhanh chóng bị đẩy ngược về tim: Nếu bệnh nhân bị bệnh tim, tim của họ có thể không quản lý được lượng chất lỏng bị đẩy ngược về trong quá trình xoa bóp.
Việc xoa bóp có thể không hiệu quả: Ví dụ, phù bạch huyết cũng có thể gây phù nề bàn tay nhưng hệ thống này tách biệt với hệ thống tuần hoàn máu nên liệu pháp xoa bóp ngược dòng không thích hợp mà có thể thích ứng với một kiểu xoa bóp khác.
Theo suckhoedoisong.vn