|
|
Hạt quinoa hay còn gọi là hạt diêm mạch |
Khi nói đến giảm cân, cả tập thể dục và chế độ ăn uống đều đóng vai trò quan trọng. Và thời gian gần đây, quinoa là một loại ngũ cốc được lựa chọn phổ biến. Thậm chí, rất nhiều chuyên gia cũng khuyên mọi người nên sử dụng loại hạt "thần kỳ" này.
Hạt quinoa hay hạt diêm mạch là một loại hạt ăn được có nhiều màu sắc khác nhau bao gồm đen, đỏ, vàng và trắng. Loại cây này đã được trồng khoảng 5000 năm và là bản địa của vùng Andean ở Nam Mỹ, cụ thể là Bolivia, Ecuador, Chile và Peru. Sau khi thu hoạch hạt sẽ loại bỏ saponin tự nhiên (lớp bên ngoài hạt) đây là một hợp chất hóa học có vị đắng.
Hạt quinoa tốt như thế nào?
Tuy gọi quinoa là hạt nhưng chúng lại được phân loại là ngũ cốc nguyên hạt. Đây là loại hạt chứa chất xơ và protein thực vật dồi dào. Trung bình, trong một cốc hạt quinoa nấu chín cung cấp khoảng 8 gram protein và 5 gram chất xơ cho cơ thể.
Trong hạt quinoa chứa các hợp chất thực vật Quercetin và Kaempferol, chúng có tác dụng đối với sức khỏe của thực phẩm còn cao hơn các vitamin và khoáng chất quen thuộc.
Hạt quinoa chứa rất nhiều chất dinh dưỡng vi lượng cực kỳ tốt cho sức khỏe. Điều này bao gồm các chất chống oxy hóa thực vật được gọi là flavonoid, đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Không giống như một số loại protein thực vật, quinoa là một loại protein hoàn chỉnh, có nghĩa là chứa tất cả 9 loại axit amin thiết yếu (protein hoàn chỉnh) mà cơ thể không thể tự tạo ra bao gồm: Lysine, Histidine, Threonine, Methionin, Valine, Leucine, Isoleucine, Phenylalanine, Tryptophan.
Với 8 gam protein chất lượng trên mỗi cốc quinoa thì đây là một nguồn protein thực vật tuyệt vời cho người ăn chay và thuần chay. Quinoa cũng không chứa gluten, vì vậy người mắc chứng không dung nạp gluten như bệnh celiac vẫn có thể ăn 1 cách an toàn.
Đặc biệt, hạt quinoa giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng trung hòa gốc tự do, từ đó giúp chống lão hóa và nhiều bệnh tật khác. Trong một nghiên cứu liên quan tới mức độ chống oxy hóa trong năm loại ngũ cốc, trong đó sử dụng ba loại ngũ cốc giả và hai loại đậu, kết quả nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hạt quinoa có hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất trong tất cả các loại ngũ cốc và đậu được nghiên cứu. Sử dụng hạt quinoa nảy mầm sẽ làm tăng hàm lượng chất chống oxy hóa hơn nữa.
|
|
Hạt diêm mạch giúp giảm cân hiệu quả |
Khả năng giúp giảm cân kỳ diệu của hạt quinoa
Tiến sĩ Vidhi Chawla, chuyên gia dinh dưỡng của Phòng khám Fisco Diet Clinic (Ấn Độ) cho biết, chỉ cần thêm hạt quinoa vào thực đơn là có thể hỗ trợ rất lớn cho mục tiêu giảm cân của bạn. Bởi:
Giúp no lâu hơn
Quinoa chứa chất xơ không hòa tan. Do đó, khi đưa nó vào chế độ ăn uống của mình, nó sẽ dẫn đến cảm giác no hoặc no lâu và tránh ăn quá nhiều.
Giàu protein và chất xơ
Protein và chất xơ giúp duy trì sự trao đổi chất tốt nên cảm giác thèm ăn biến mất. Từ đó, duy trì lượng calo nạp vào cơ thể.
Tốt cho đường ruột
Chất xơ, một thành phần cần thiết cho sức khỏe, có nhiều trong quinoa. Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ rất hiệu quả để duy trì cân nặng và tăng cường sức khỏe đường ruột.
Hạt quinoa cũng chứa nhiều mangan giúp duy trì sức khỏe xương, giảm viêm và giúp điều hòa sự mất cân bằng tuyến giáp và nội tiết tố.
Có nên ăn hạt quinoa thay cơm
Câu trả lời là có. Hạt quinoa rất dễ kết hợp vào trong chế độ ăn uống bởi dễ ăn, ngon và hợp với nhiều loại thức ăn.
Để nấu ăn dễ dàng hơn, quinoa có thể được chuẩn bị trong nồi cơm điện với cùng tỷ lệ 1 cốc quinoa với 2 cốc nước. Một cốc quinoa khô sẽ cho ra 3 phần ăn nấu chín. Đặc biệt, bạn còn có thể thay thế quinoa thay cho cơm để làm sushi và chế biến các món khác như:
|
|
Hạt quinoa có thể ăn thay cơm |
- Kết hợp dùng hạt quinoa nấu chín vào món salad hoặc súp để có thêm vị ngon.
- Sử dụng hạt quinoa như một loại ngũ cốc ăn sáng bằng cách nấu hạt quinoa trong sữa hoặc nước.
- Có thể dùng quinoa để thành bỏng quinoa, cách làm tương tự như ngô để tạo ra bỏng ngô.
Khi đã hiểu rõ về hàm lượng giá trị dinh dưỡng của hạt quinoa, cùng cách sử dụng, bạn có thể cân nhắc dùng sao cho hợp lý và đúng nhu cầu ăn uống của bản thân.
Nguyễn Phượng
(Nguồn: Health Shot, healthline)