Theo đó, hợp chất chống ung thư trong bông cải xanh đồng thời có thể ngăn ngừa và điều trị các cục máu đông - có thể gây ra đột quỵ - hiện là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên toàn cầu, theo tạp chí khoa học ScienceAlert.
Các nhà khoa học từ Đại học Sydney ở Úc đã tiến hành một loạt thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trên 23 hợp chất thường có trong thực vật để xác định tác động của chúng đối với tiểu cầu trong máu.
Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong việc làm kín vết thương để cầm máu, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân hình thành các cục máu đông nguy hiểm làm tắc nghẽn dòng máu. Trong các mô quan trọng đối với sự sống như não và tim, mỗi giây phút bị mất oxy đều có gây ra tổn thương không thể khắc phục được.
Kết quả, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hợp chất sulforaphane (SFN), thường có trong các loại rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ trắng và mầm bông cải xanh, nổi bật với tác dụng chống đông máu, theo ScienceAlert.
Hợp chất này trước đây đã nhận được sự chú ý vì khả năng ngăn ngừa ung thư và giảm cholesterol.
Phân tích chặt chẽ về tác động của chất SFN ở cấp độ phân tử cho thấy nó có thể làm chậm quá trình kết tụ tiểu cầu và cản trở sự hình thành cục máu đông trong động mạch.
Nhà khoa học y sinh, tiến sĩ Xuyu Liu từ Đại học Sydney cho biết: Hợp chất trong bông cải xanh không chỉ có khả năng cải thiện hiệu quả của thuốc làm tan cục máu đông sau đột quỵ mà còn có thể được sử dụng như một tác nhân phòng ngừa cho những bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ cao.
Những phát hiện mới làm cho chất SFN rất đáng được nghiên cứu để trở thành một phương pháp giảm nguy cơ đột quỵ ở những người dễ bị tổn thương nhất - đặc biệt vì nó có sẵn trong bông cải xanh, vốn được biết là tốt cho sức khỏe tim mạch và bảo vệ chống lại bệnh tật.
SFN cũng có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp: Là phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ, nhằm cố gắng giảm thiểu tác hại lên não. Những phương pháp điều trị này có thể giúp giảm đáng kể thiệt hại do cục máu đông gây ra và cuối cùng cứu sống bệnh nhân.
Thuốc làm tan cục máu đông hiện nay, được gọi là chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA), chỉ có tác dụng bảo vệ chống lại tổn thương não khoảng 20%.
Tuy nhiên, điều tuyệt vời là trong các thí nghiệm trên chuột, khi kết hợp thuốc tPA với SFN trong bông cải xanh, các nhà nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ thành công có thể lên tới 60%, theo ScienceAlert.
Chưa hết, tiến sĩ Liu cho biết: Thật thú vị, trong khi các chất làm loãng máu được thử nghiệm trong điều trị đột quỵ đều gây ra tác dụng phụ là chảy máu, thì SFN không gây ra bất kỳ dấu hiệu chảy máu nào.
Đây vẫn là giai đoạn đầu của nghiên cứu và trong các nghiên cứu sắp tới, các nhà khoa học sẽ xem xét tác dụng của hợp chất SFN trên người.
Theo Thanh niên