leftcenterrightdel
 Tỏi tía - Ảnh: ST

Tỏi tía hay tỏi cổ cứng, có tên khoa học là Allium ophioscorodon Linn, thuộc Họ Hành - Alliaceae. Tỏi tía thường có nhánh đều nhau, bao phủ bởi những dải màu tía. Tỏi có màu tía là nhờ vào sắc tố "anthocyanidin".

Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, Đông y coi tỏi tía là một trong những loại thực phẩm dinh dưỡng nhất. Tỏi tía có nhiều tinh dầu, hương vị đặc trưng, thơm ngon nên cũng được coi là một đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.

Nhờ có đặc tính nhiều tinh dầu, vị ngọt nên loại tỏi quý này được trích xuất làm dầu. Ngày nay với công nghệ hiện đại, tỏi tía được lên men thành tỏi đen.

Theo y học cổ truyền tỏi tía có vị ngọt, cay, hôi, tính ôn, hơi có độc. Quy kinh: Can, Tỳ, Vị. Tỏi tía có công dụng: Giải độc, sát trùng, tẩy uế, hạ khí, thông khiếu, tiêu nhọt, tiêu đờm tích, trừ giun. Chủ trị: Đầy trướng, đại tiểu tiện khó khăn, tả, lỵ. Liều dùng: 4-6g tỏi tía/ngày, có thể dùng nhiều nhất là 20g.

Tỏi tía kiêng kỵ dùng trong các trường hợp như: Âm hư, nội nhiệt, thai sản, đậu chẩn, đau mắt, răng, cổ, lưỡi chớ dùng.

Công dụng của tỏi tía

Dùng tỏi tía ăn hàng ngày có thể giúp làm tăng tiết insulin, giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2.

Nhà khoa học, Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết: "Tỏi tía giàu germanium và selen nên có thể ngăn chặn được sự tổng hợp nitrosamin (tác nhân gây ung thư)".

Thường xuyên ăn tỏi tía còn giúp giảm chất béo xấu trong máu, ngăn chặn các bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch.

Tỏi tía tươi rất giàu chất chống oxy hóa nên có thể giúp giảm nếp nhăn trên da.

Ngoài ra, Allicin trong tỏi có khả năng chống kích ứng nên có thể ngăn ngừa bệnh viêm khớp dạng thấp, giảm mỡ máu...

Allicin trong tỏi tía là hoạt chất được 2 nhà khoa học người Mỹ là Chester J. Cavallito và John Hays Baiely nghiên cứu và phân lập thành công lần đầu tiên vào năm 1944. Cho tới nay, trên thư viện Y khoa Mỹ cũng có hàng ngàn công trình nghiên cứu do các nhà khoa học trên khắp thế giới thực hiện nghiên cứu về công dụng của Allicin từ cây tỏi.

Chuyên gia Sáng cung cấp thêm, allicin là hoạt chất ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Ăn tỏi tía thường xuyên có thể giúp các thực bào khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch, phòng chống ung thư. Allicin cũng được biết tới là một chất kháng sinh tự nhiên rất mạnh, mạnh hơn cả penicillin.

Tỏi tía cũng thường được dùng làm tỏi đen. Chuyên gia Sáng cho hay, tỏi đen có giá trị dinh dưỡng và sinh học rất cao, có đầy đủ 18 axit amin. Hàm lượng chống oxy hóa của tỏi đen cũng cao hơn tỏi tươi nhiều lần. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỏi đen giúp giảm mỡ máu, mỡ gan, tăng đề kháng, tiêu độc, chống ung thư, chống viêm nhiễm, chống lão hóa, tăng cường sinh lực.

Tỏi tía Mai Châu từng lọt Top 100 đặc sản quà tặng của Việt Nam (2021 - 2022) do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố trong hành trình tìm kiếm, quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam. Theo Sở KH&CN, tỏi tía Mai Châu là loại tỏi củ nhỏ, tép màu vàng, chứa rất nhiều tinh dầu, vị cay, thơm. Đặc biệt, tỏi tía Mai Châu có dược tính tốt, nhất là hàm lượng allicin cao từ 6,81 đến 7,23 mg/g.

Ngọc Minh