|
|
H. pylori là loại vi khuẩn tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư dạ dày nếu không được điều trị dứt điểm. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Vi khuẩn VP có tên đầy đủ là Helicobacter pylori (H. pylori). Đây là loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng ở dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non), nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh loét dạ dày - tá tràng.
HP cũng có thể gây viêm và kích ứng niêm mạc dạ dày (viêm dạ dày). Nhiễm vi khuẩn này lâu dài không được điều trị có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
Các triệu chứng khi nhiễm HP
Theo Cleveland Clinic, vi khuẩn HP hiện diện ở khoảng 50-75% dân số thế giới. Nhiễm HP chủ yếu xảy ra ở trẻ em và phổ biến hơn ở các nước đang phát triển. Nhiễm trùng dễ xảy ra nhất ở trẻ em sống trong điều kiện đông đúc và khu vực có điều kiện vệ sinh kém.
Mọi người lần đầu tiên nhiễm vi khuẩn khi còn nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể nhiễm vi khuẩn này. Hầu hết người nhiễm HP trong nhiều năm mà không biết vì không có bất kỳ triệu chứng nào. Các chuyên gia cũng chưa tìm ra nguyên nhân.
Với những người xuất hiện triệu chứng, các dấu hiệu thường phát sinh từ viêm dạ dày hoặc loét dạ dày và bao gồm:
- Đau âm ỉ hoặc nóng rát ở dạ dày (thường xảy ra vài giờ sau khi ăn và vào ban đêm). Cơn đau của bạn có thể kéo dài vài phút đến vài giờ và có thể đến rồi đi trong vài ngày đến vài tuần
- Giảm cân không có kế hoạch
- Đầy hơi
- Buồn nôn và nôn (nôn ra máu)
- Khó tiêu
- Ợ hơi
- Ăn mất ngon
- Phân sẫm màu (do có máu trong phân)
|
|
Đau bụng âm ỉ thường xảy ra sau khi ăn hoặc vào ban đêm có thể là một trong những triệu chứng cảnh báo nhiễm HP. Ảnh minh họa:Shutterstock. |
Cách vi khuẩn HP lây lan
HP có thể lây từ người này sang người khác, được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám trên răng. Do đó, chúng được lây truyền từ người này qua người khác khi dùng chung bàn chải đánh răng, chén đũa, bát; hôn trực tiếp; mẹ nhai mớm cơm cho con.
Vi khuẩn này cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với chất nôn mửa hoặc phân. Điều này có thể xảy ra nếu bạn:
- Ăn thực phẩm không được làm sạch hoặc nấu chín an toàn
- Uống nước bị nhiễm vi khuẩn
Từ nhiễm HP dẫn đến ung thư dạ dày
Theo Johns Hopkins Medicine, HP tấn công lớp màng bảo vệ dạ dày của bạn. Vi khuẩn tạo ra một loại enzyme gọi là urease - enzyme này gây suy yếu niêm mạc dạ dày. Khi đó, các tế bào dạ dày có nguy cơ bị tổn thương cao hơn bởi axit và pepsin, những chất dịch tiêu hóa mạnh. Điều đó có thể dẫn đến loét ở dạ dày hoặc tá tràng.
Vi khuẩn HP cũng có thể bám vào tế bào dạ dày. Dạ dày không thể tự bảo vệ mình tốt được, do đó, ku vực này sẽ bị đỏ và sưng (viêm). HP cũng khiến dạ dày tiết ra nhiều axit hơn.
Nếu bị nhiễm HP, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư dạ dày trong tương lai. Một nghiên cứu của Đại học Zhengzhou ở Trung Quốc đã thu thập và phân tích các mẫu từ phân và nội soi dạ dày của 49 người tham gia, theo Medical News Today.
Thông qua phân tích, họ đã xác định được một chủng nổi bật so với các chủng còn lại: HP với một biến thể của gene A liên quan đến cytoxin - cụ thể là biến thể EPIYA D. Trong số những người tham gia nghiên cứu mắc chủng này, 91% được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày.
Do đó, thông thường nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày và các yếu tố nguy cơ ung thư khác, mặc dù không có triệu chứng loét dạ dày, bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế có thể khuyên bạn nên xét nghiệm kháng thể HP.
Ngoài việc sàng lọc và điều trị, bạn có thể được đề nghị một số thay đổi trong lối sống, như bổ sung nhiều trái cây, rau và chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Theo lifestyle.znews