|
|
Kết hôn và có con không còn là ưu tiên hàng đầu với nhiều người Trung Quốc. Ảnh:Kim Kyung-Hoon/Reuters. |
Trong bối cảnh Trung Quốc khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con, Four Wang (42 tuổi, đến từ Bắc Kinh) và vợ lại cho rằng đây là lựa chọn quá mạo hiểm.
“Điều này giống như mở chiếc hộp bí ẩn. Tôi không đủ can đảm xem bên trong có gì”.
Wang, hiện làm nhân viên tài chính, cho biết việc nuôi một đứa trẻ sẽ tốn kém và có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của anh.
“Với số tiền tích cóp được, tôi có thể mua sắm. Tôi cũng không cần phải lo lắng về cuộc sống, sức khỏe, sự an toàn của con nhỏ,...”.
Vợ chồng Wang, đều có công việc toàn thời gian, nằm trong số ngày càng nhiều người chọn lối sống “thu nhập gấp đôi, không có con” (DINK) ở Trung Quốc.
Lựa chọn của họ xung đột với quan niệm truyền thống ở đất nước nơi kết hôn nhưng không sinh con là điều cấm kỵ.
Ngoài ra, các cặp vợ chồng được cho là cần có con để nối dõi tông đường và phụng dưỡng tuổi già, theo ABC News.
Tuy nhiên, Wang có 5 người anh em họ đều kết hôn và chưa có con. Anh cho rằng nhiều cặp vợ chồng không còn quan tâm đến những định kiến đó. Ngược lại, anh còn thấy quyết định của mình là “thông minh”.
|
|
Số lượng cặp vợ chồng Trung Quốc lựa chọn không sinh con ngày càng tăng. Ảnh:Aly Song/Reuters. |
Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực khuyến khích người dân sinh con sau tỷ lệ sinh đạt mức thấp kỷ lục 6,77 ca sinh trên 1.000 người vào năm 2022.
Quốc gia tỷ dân gần đây tuyên bố triển khai các dự án thí điểm tại hơn 20 thành phố nhằm tạo ra văn hóa hôn nhân và sinh đẻ “kỷ nguyên mới” nhằm thúc đẩy môi trường sinh con thân thiện.
Ngoài ra, phụ nữ độc thân giờ đây có thể nghỉ thai sản có lương, nhận trợ cấp nuôi con và được điều trị thụ tinh trong ống nghiệm một cách hợp pháp.
Đây chỉ là một số biện pháp mới nhất mà Bắc Kinh công bố kể từ khi từ bỏ chính sách một con cứng nhắc vào năm 2015 vì dân số già và giảm.
Các cặp vợ chồng bây giờ có thể có 3 con.
Ngày càng tăng
Theo phân tích của nhà xã hội học Trung Quốc Shouting Lu về dữ liệu điều tra dân số mới nhất, có khoảng 188 triệu gia đình chọn lối sống DINK ở Trung Quốc và con số đó đang tăng lên.
“Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến tỷ lệ sinh thấp của Trung Quốc”, ông nói
Nancy Zhang (34 tuổi), đại diện bán hàng cho công ty đồ ăn thú cưng ở thành phố Thiên Tân phía bắc Trung Quốc, nằm trong nhóm này. Cô kết hôn được 6 năm và đang tận hưởng cuộc sống không con cái.
Zhang quyết định không sinh con vì “có quá nhiều yếu tố không chắc chắn trong xã hội Trung Quốc”, chẳng hạn như khả năng tiếp cận giáo dục. Cô cũng cho biết không có gì đảm bảo rằng mình sẽ hạnh phúc nếu có con.
“Có quá nhiều áp lực khi có con, cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc giáo dục và nuôi dạy con cái sau này có những chi phí vô hình. Hơn nữa, nhiều phụ nữ có xu hướng chịu nhiều áp lực hơn nam giới khi sinh con”, cô nói.
|
|
Bắc Kinh gần đây đưa ra một số dự án nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh đang giảm. Ảnh:Aly Song/Reuters. |
Yang Hu, GS xã hội học toàn cầu tại Đại học Lancaster (Vương quốc Anh), đồng tình với quan điểm đó. Ông nói thêm rằng phụ nữ phải vừa làm việc, vừa chăm sóc gia đình.
GS Hu cho biết đây là rào cản trong nỗ lực tăng tỷ lệ sinh của Trung Quốc. Ông kêu gọi Bắc Kinh cố gắng đạt được “bình đẳng giới”.
“Nếu người dân muốn sinh con, họ có được nghỉ thai sản hợp lý không? Xã hội có hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ không?”, ông hỏi.
“Chính phủ Trung Quốc rất muốn thúc đẩy mức sinh,… nhưng việc chỉ sử dụng các chính sách khiến tình hình rất khó thay đổi . Nó đòi hỏi sự thay đổi văn hóa”, ông nói thêm.
GS Hu cho biết các giá trị gia đình truyền thống cũng đang thay đổi. Ngày càng có nhiều người chú ý hơn đến sự phát triển cá nhân.
Không còn là lựa chọn số một
Jian Ma (49 tuổi), chủ quán cà phê ở phía nam thành phố Đại Liên, từng cảm thấy áp lực bởi những giá trị truyền thống. Tuy nhiên, quan điểm của anh đã thay đổi.
Ma hứa với cha trước khi ông qua đời rằng mình sẽ sinh con trong tương lai. Tuy nhiên, vợ chồng anh quyết định không có con vì người vợ lớn tuổi và hoàn cảnh cá nhân.
Họ cũng cho rằng mình có thể thực hiện “lập kế hoạch nghỉ hưu” theo cách khác.
“Tôi có 2 kế hoạch. Một là chúng tôi sẽ di cư đến quốc gia có phúc lợi xã hội tuyệt vời. Kế hoạch khác là tất cả số tiền tiết kiệm của vợ chồng tôi sẽ được chuyển đến viện dưỡng lão để chăm sóc chúng tôi trong tương lai hoặc thuê luật sư quản lý”, anh nói.
Yuying Tong, nhà xã hội học tại Đại học Trung văn Hong Kong, cho biết việc tăng các lựa chọn nghỉ hưu và cải thiện hệ thống xã hội của Trung Quốc đang tác động đến tỷ lệ sinh.
“Sự phát triển của an sinh xã hội ở Trung Quốc làm giảm sự phụ thuộc của mọi người vào gia đình khi họ già đi. Với sự phát triển của kinh tế - xã hội,... chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, gia đình không còn là mục tiêu quan trọng nhất mà mọi người hướng đến”, ông nói.
|
|
Tấm áp phích khuyến khích các cặp vợ chồng chỉ sinh một con trên đường phố Bắc Kinh năm 1983. Đến năm 2015, chính sách này chính thức bị xóa bỏ. Ảnh:VCG. |
Ma mô tả cuộc sống DINK của vợ chồng anh “rất tuyệt”.
“Nếu có con, tôi sẽ phải chịu gánh nặng nuôi dạy chúng và khiến chất lượng cuộc sống của mình giảm sút. Nói chung, thật tốt nếu tôi tiêu hết tiền trước khi chết”, anh nói.
Chi phí nuôi dạy trẻ em ở Trung Quốc cao thứ 2 trên thế giới, theo Viện Nghiên cứu Dân số Yuwa của Trung Quốc.
Các bậc phụ huynh ở xứ tỷ dân cũng thường chi rất nhiều tiền cho con cái tham gia hoạt động ngoại khóa để đảm bảo chúng không bị tụt hậu so với bạn bè đồng trang lứ. Khi con cái trưởng thành, bố mẹ cũng phải lo tiền mua nhà, xe hơi và đám cưới cho con.
Chi phí nuôi con ở Trung Quốc gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội, với không ít bài đăng ví von “con cái là máy xén tiền” và “giá nhà là liều thuốc tránh thai tốt nhất”.
Đối với người lựa chọn lối sống DINK như vợ chồng Wang, những thay đổi chính sách của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh không làm thay đổi suy nghĩ của họ.
“Các chính sách của nhà nước liên tục thay đổi. Khi tôi sinh ra, việc có đứa con thứ 2 là nổi loạn và bất hợp pháp. Tôi không biết những loại chính sách nào sẽ được áp đặt khi tôi già đi”, anh nói.
Theo zingnews