Nhiều người thường nhầm lẫn giữa viêm da dị ứng và viêm da cơ địa, viêm da dầu… Viêm da dị ứng là những tổn thương trên da ở những người bệnh có cơ địa dị ứng đặc trưng.
Những biểu hiện lâm sàng của người bệnh là sự quá mẫn tức thì do sự có mặt của Immunoglobulin E hoặc do sự quá mẫn muộn của tế bào T đặc hiệu. Viêm da dị ứng không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số trường hợp điều trị không đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng da.
Dấu hiệu viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng có biểu hiện gì? Viêm da dị ứng rất dễ phát hiện nếu có tác nhân bên ngoài rõ rệt, với từng độ tuổi sẽ có những triệu chứng khác nhau:
- Ở trẻ sơ sinh: Có đến 85% trẻ sơ sinh từ 3-12 tháng tuổi gặp tình trạng viêm da dị ứng. Biểu hiện ở độ tuổi này được gọi là biểu hiện cấp tính với nền da đỏ, có giới hạn rõ, mụn nước và tập trung thành những vùng ở trán, mũi, hai bên má. Một số trường hợp mụn nước gây lở loét, bội nhiễm.
- Ở trẻ trên 2 tuổi: Biểu hiện lâm sàng bán cấp tính ở lứa tuổi này là những tổn thương hay tái phát. Các vết tổn thương xuất hiện ở nếp duỗi tay, chân và có thể bị lichen hóa.
- Ở người trưởng thành biểu hiện của bệnh thường là những tổn thương mạn tính. Các tổn thương xuất hiện ở mặt duỗi của chân tay, da người bệnh thường khô và kèm theo lở, chốc.
Viêm da dị ứng uống thuốc gì?
Cũng như dấu hiệu lâm sàng của bệnh, việc chữa viêm da dị ứng sẽ dựa vào độ tuổi. Bên cạnh việc tuân thủ điều trị theo phác đồ, người bệnh cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với những yếu tố gây dị ứng (nếu đã tìm ra nguyên nhân). Đồng thời cần hạn chế để da tiếp xúc với các chất tẩy rửa (xà phòng, dầu rửa) và nên dùng sữa tắm có độ PH trung tính. Với những trường hợp chưa tìm được nguyên nhân thì có thể sử dụng thuốc corticoid đường bôi, thuốc kháng histamin, thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên…
Có rất nhiều trường hợp người bệnh bị viêm da dị ứng nhưng không đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám, thay vào đó lại sử dụng những loại thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh. Ban đầu những loại thuốc này có thể làm giảm các triệu chứng khiến người bệnh nghĩ thuốc có hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian bệnh sẽ tái phát và trở nặng hơn, thậm chí có những biến chứng rất nguy hiểm.
Đặc biệt với những loại thuốc bôi chứa corticoid nếu không dùng đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ vì khiến sạm da, teo da rất khó hồi phục. Nếu sử dụng thuốc có chứa corticoid để uống lâu ngày dẫn đến những biến chứng như viêm dạ dày, loãng xương, hội chứng giả Cushing… Những loại thuốc không rõ nguồn gốc thường chứa corticoid, các thành phần độc tố, nấm mốc… có thể khiến người bệnh bị suy thận cấp, ngộ độc gan. Hơn nữa khi bệnh viêm da dị ứng tái phát trở nặng hơn sẽ rất khó điều trị.
Viêm da dị ứng có lây không? Viêm da dị ứng là bệnh da liễu và không thể lây từ người lành sang người bệnh.
Cách chăm sóc người bị viêm da dị ứng tại nhà là bên cạnh việc hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, người bệnh cần bổ sung đủ nước và dùng những sản phẩm dưỡng ẩm cho da phù hợp để tránh da bị khô, nứt nẻ. Nên tắm nước có nhiệt độ vừa phải, không tắm nước quá nóng.
Về trang phục nên lựa chọn quần áo có chất liệu cotton, thoáng mát và hạn chế mặc đồ dễ gây kích ứng nhu len, dạ… Nơi ở, nơi làm việc cần được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát đồng thời hạn chế những căng thẳng, stress trong cuộc sống.
Theo suckhoedoisong.vn