1. Bệnh động kinh nguy hiểm thế nào?
Bệnh động kinh là một bệnh mạn tính, do sự bất thường trong não bộ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh: Di truyền, chấn thương sọ não, có khối u trong não, viêm màng não, trẻ sơ sinh bị chấn thương trước khi được sinh ra (mẹ bị nhiễm trùng, thiếu dinh dưỡng thai sản, ca sinh khó khiến trẻ bị ngạt…).
Một số trẻ bị sốt cao co giật kéo dài cũng có thể tiến triển thành bệnh động kinh. Lạm dụng các loại thuốc chống trầm cảm, chất kích thích (rượu, thuốc lá, ma túy) cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới bệnh động kinh.
Khi có sự bất thường trong não bộ sẽ dẫn tới kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não, gây ra sự phóng điện đột ngột không thể kiểm soát. Sự kích thích vỏ não ở các vùng khác nhau có thể gây ra những biểu hiện: Co cứng chân tay, co giật, sùi bọt mép…
Bệnh động kinh rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng chất lượng sống hằng ngày, gây ra sự mặc cảm tự ti, giảm khả năng và chất lượng lao động ở bệnh nhân. Khi cơn động kinh đột ngột xảy ra có thể dẫn đến tai nạn, tử vong.
Ở trẻ em khi bị động kinh thường không thể tập trung học và dẫn đến kết quả học tập sa sút nghiêm trọng…
Nếu tình trạng co giật diễn ra liên tục, đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe bệnh nhân. Do đó bệnh cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.
2. Các thuốc điều trị bệnh động kinh
Thuốc điều trị chủ yếu là ngăn ngừa các cơn động kinh hay còn gọi là thuốc chống động kinh hoặc chống co giật. Khi sử dụng thuốc chống động kinh có thể giúp hầu hết bệnh nhân ngừng co giật hoặc giảm tần xuất và cường độ co giật. Một số trường hợp sau khi dùng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.
Nguyên tắc sử dụng thuốc là từ một loại thuốc, liều thấp nhất rồi tăng dần liều cho đến khi cơn động kinh được kiểm soát tốt. Tùy từng bệnh nhân sẽ cần điều chỉnh liều phù hợp với mức dung nạp thuốc để đạt hiệu quả điều trị và hạn chế tác dụng phụ.
Một số thuốc thường dùng:
- Phenobarbital: Có tác dụng điều trị động kinh cơn lớn và động kinh cục bộ.
Phenytoin: Có tác dụng chống co giật và gây buồn ngủ. Phenytoin rút ngắn cơn phóng điện và có tác dụng ổn định màng, làm hạn chế sự lan truyền phóng điện trong động kinh. Do đó thuốc được sử dụng trong điều trị động kinh cơn động kinh lớn, động kinh cục bộ và cả động kinh tâm thần vận động, có tác dụng chống đau đối với đau dây thần kinh sinh ba…
Hầu hết bệnh nhân sẽ gặp phải một vài triệu chứng: Buồn ngủ và giảm khả năng tập trung chú ý; mất ham muốn tình dục ở nữ và liệt dương ở nam sau một thời gian dài điều trị. Hiện nay thuốc này ít được sử dụng trong lâm sàng.
- Valproat: Là thuốc chống động kinh có hiệu quả trong đa số bệnh nhân bị động kinh cục bộ, cơn lớn, cơn nhỏ... Thuốc còn có tác dụng chỉnh khí sắc, vì vậy còn có hiệu quả điều trị các rối loạn cảm xúc ở bệnh nhân động kinh. Do đó thuốc được lựa chọn sử dụng trong lâm sàng khá phổ biến.
Không dùng thuốc cho phụ nữ mang thai vì có thể gây dị tật ở đốt sống cổ cho thai nhi.
- Carbamazepin: Là thuốc chống động kinh tốt cho các cơn động kinh cục bộ, động kinh cơn lớn. Không dùng cho động kinh cơn bé vì không có tác dụng.
- Oxcarbazepin: Là thuốc có hiệu quả cao với các cơn động kinh cục bộ, động kinh cơn lớn và ít gây dị ứng hơn carbamazepin. Dùng kéo dài thuốc cũng không ảnh hưởng đến trí tuệ của bệnh nhân.
- Toprimac: Là thuốc chống động kinh có tác dụng cả trên cơn cục bộ, cơn lớn, cơn bé... Có tác dụng cả trên các bệnh nhân động kinh đã điều trị bằng các thuốc khác nhưng thất bại. Thuốc dùng lâu dài không ảnh hưởng đến trí tuệ của bệnh nhân.
- Lamotrigin: Thuốc có hiệu quả rất tốt trên các cơn cục bộ, cơn lớn, kể các các trường hợp động kinh kháng trị và không ảnh hưởng đến trí tuệ của bệnh nhân.
- Levetiracetam: Có tác dụng điều trị các trường hợp động kinh cục bộ và cơn lớn, kể cả các trường hợp kháng điều trị. Thuốc không ảnh hưởng đến trí tuệ của bệnh nhân.
Khi bệnh nhân đã đáp ứng với thuốc, bác sĩ sẽ đánh giá lâm sàng và có phác đồ điều trị ổn định. Ở một số bệnh nhân có thể phải dùng kết hợp 2 loại thuốc trở lên.
Dùng thuốc điều trị để kiểm soát các cơn động kinh.
3. Một số lưu ý khi dùng thuốc
Điều trị bệnh động kinh thường phải dùng thuốc tối thiểu là 2 năm, do đó bệnh nhân cần có những lưu ý trong quá trình dùng thuốc.
Để giúp việc dùng thuốc hiệu quả và thành công:
-Bệnh nhân cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị.
- Khi đã được kê đơn, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ, không tự ý tăng/giảm liều, không ngừng thuốc đột ngột.
- Nhiều trẻ em và người trưởng thành bị động kinh có thể ngừng dùng thuốc sau 2 năm điều trị trở lên mà cơn co giật không tái phát. Tuy nhiên, việc ngừng thuốc hoặc đổi thuốc phải do bác sĩ chuyên khoa thần kinh đang điều trị đánh giá tình trạng đáp ứng điều trị, cũng như nguy cơ tái phát bệnh. Với bệnh nhân có thể được ngừng thuốc cũng phải theo lộ trình giảm liều từ từ, không được ngừng thuốc đột ngột.
-Người bệnh cần tái khám đúng hẹn với mục đích để bác sĩ đánh giá điều trị và điều chỉnh phác đồ khi cần thiết.
- Thuốc chống động kinh có tương tác bất lợi với khá nhiều thuốc khác, do đó bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ về các thuốc điều trị khác trước khi sử dụng.
- Thuốc có thể gây một số bất lợi như: Mệt mỏi, chóng mặt, tăng cân, mất mật độ xương, phát ban trên da, mất phối hợp, vấn đề về lời nói, rối loạn về trí nhớ và suy nghĩ. Một số tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng: Trầm cảm, suy nghĩ và hành vi tự sát, phát ban da nghiêm trọng, viêm gan...
Nếu gặp phải một số triệu chứng trên, cần thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời, thích hợp.
Theo suckhoedoisong.vn