1. Các nguyên nhân gây ho

Ho không phải là một bệnh, mà là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe. Ho là một phản xạ tốt, giúp đẩy đờm, virus, vi khuẩn, dị vật ra khỏi đường thở.  

Các nguyên nhân gây ho thường là:

  • Cúm.
  • Viêm mũi dị ứng.
  • Viêm mũi xoang.
  • Viêm VA.
  • Hen suyễn.
  • Trào ngược dạ dày
  • Viêm phế quản do vi khuẩn (ít gặp).
  • Viêm phổi.
  • Dị vật đường thở.
  • Ho không đặc hiệu (thường xảy ra sau một đợt nhiễm virus).
  • Ho do tâm lý…

2. Khi nào cần dùng thuốc ho có đờm?

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị ho có đờm cho trẻ - Ảnh 1.

Cần điều trị nguyên nhân gây ho, không nên lạm dụng thuốc ho.

Thuốc ho có hai loại:

- Loại giảm ho: Dùng trong trường hợp ho khan (ho không có đờm).

- Loại làm loãng đờm, tiêu đờm: Dùng cho trường hợp ho có đờm. 

2.1 Thuốc long đờm

Có tác dụng làm giảm độ nhớt và dính của đờm, từ đó làm tăng hiệu của phản xạ ho và dễ tống đờm ra ngoài hơn, bao gồm các thuốc:

- Acetylcystein: Thuốc có tác động trực tiếp lên cấu trúc của chất nhầy, làm loãng chất nhầy, giúp tống đờm ra ngoài dễ dàng khi ho khạc. Không dùng thuốc cho trẻ bị hen hoặc có tiền sử hen. 

  Bromhexin: Là thuốc được sử dụng khá phổ biến để điều trị ho có đờm, có tác dụng làm đờm lỏng hơn và ít quánh hơn; giúp đờm từ phế quản thoát ra ngoài có hiệu quả. Khi uống, thường phải sau 2 - 3 ngày mới có tác dụng trên lâm sàng. 

Thuốc có nhiều dạng bào chế phù hợp với nhiều lứa tuổi. 

- Guaifenesin có công dụng là long đờm, thúc đẩy loại bỏ chất nhầy khỏi đường hô hấp và làm trơn đường hô hấp bị kích thích. Thuốc an toàn cho bệnh nhi hen, nhưng không được sử dụng cho trẻ em dưới 4 tuổi.

- Terpin hydrat là thuốc giúp tăng dịch tiết dịch nhầy đường hô hấp, giúp loãng đờm khiến đờm dễ được tống ra ngoài thông qua phản xạ ho. Chỉ định dùng trong các trường hợp ho có đờm do viêm phế quản cấp và mạn gây ra.

Nên uống thuốc với nhiều nước sau bữa ăn chính hoặc sau bữa ăn nhẹ. Không dùng thuốc kéo dài vì sẽ dẫn đến sự phụ thuộc vào thuốc. Thuốc không dùng cho trẻ dưới 30 tháng, không dùng thuốc quá 10 ngày.

- Nước có thể xem là dược liệu tự nhiên quý và an toàn, có thể giúp trẻ long đờm.  

Cách dùng thuốc điều trị ho có đờm cho trẻ - Ảnh 4.

Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc ho.

2.2 Thuốc tiêu đờm

- Carbocysteine có tác dụng làm tiêu chất nhầy và giúp làm giảm độ quánh của đờm nhầy ở phổi, tạo thuận lợi để tống đờm ra bên ngoài thông qua những phản xạ ho. Không dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi. 

- Ambroxol là một hoạt chất có tác dụng làm tiêu đờm, dịch nhầy. Thuốc giúp cho đờm loãng hơn, người bệnh dễ dàng loại bỏ ra ngoài qua động tác ho, khạc. Vì thế, thuốc thường hay có mặt trong các đơn thuốc điều trị bệnh hô hấp. Thuốc an toàn cho trẻ em hen, tuy nhiên không được sử dụng cho trẻ dưới 5 tuổi.

3. Lưu ý khi dùng thuốc

Trẻ bị ho có đờm có thể được chỉ định sử dụng thuốc long đờm, thuốc tiêu đờm để giúp đờm loãng, từ đó đờm thoát ra ngoài. Tuy nhiên, cần những điều sau để tránh tác dụng phụ bất lợi.

  • Không dùng cho bệnh nhi bị viêm loét dạ dày vì thuốc có thể gây tác hại lên niêm mạc dạ dày.
  • Không dùng hoặc thận trọng dùng cho trẻ bị bệnh hen vì thuốc có thể gây co thắt phế quản. 
  • Trường hợp trẻ cần phải dùng thuốc long đờm có gây ra co thắt phế quản, lập tức ngừng thuốc và khí dung cho trẻ bằng salbutamol. 
  • Không dùng thuốc cho trẻ bị suy nhược, quá yếu hoặc không biết khạc đờm vì sẽ càng tăng ứ đọng đờm trong đường hô hấp khiến bệnh nặng thêm. 
  • Trường hợp có nhiều đờm loãng ở phế quản nhưng bệnh nhi giảm khả năng ho, phải đưa đến trung tâm y tế để được hút đờm ra. 
  • Không dùng thuốc long đờm kết hợp với các thuốc ức chế ho hoặc thuốc làm bài tiết dịch phế quản.
  • Thời gian dùng thuốc không kéo dài quá 8 - 10 ngày. 
  • Quá trình dùng thuốc long đờm tại nhà, cần cho người chăm sóc trẻ theo dõi chặt chẽ. Nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường, cần đưa trẻ đến bệnh viện có khả năng vỗ rung, hút đờm cho bé ngay.  

Theo suckhoedoisong.vn