1. Nguyên nhân gây viêm tai trong
Có nhiều loại bệnh viêm tai khác nhau như viêm tai giữa (phổ biến), viêm tai ngoài và viêm tai trong.
Viêm tai trong ảnh hưởng đến khả năng thăng bằng và thính giác, gây chóng mặt, nhức đầu, ngất xỉu, buồn nôn... có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cân bằng và thính giác của người bệnh.
Bệnh do nhiều nguyên nhân, thường là hậu quả của viêm tai giữa hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên (mũi, xoang, họng) không được điều trị tích cực. Ví dụ, trong quá trình viêm tai giữa, mầm bệnh có thể lan từ tai giữa đến tai trong và gây viêm.
Ở người lớn, viêm tai trong thường kèm theo các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, đau tai hoặc giảm thính lực. Ngoài ra có thể xuất hiện ù tai và cử động mắt không kiểm soát. Viêm tai trong rất khó chẩn đoán, là do một số triệu chứng như đau tai hoặc chóng mặt có thể gây nhầm lẫn với các bệnh khác có cùng triệu chứng.
Thính giác và tai là những bộ phận rất nhạy cảm và các bệnh về tai không được điều trị có thể dẫn đến tổn thương thính giác lâu dài.
Thông thường các triệu chứng thường thuyên giảm trong vòng một hoặc hai tuần, một số trường hợp có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Những người mắc bệnh nặng có thể cần đến máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử và/hoặc liệu pháp tiền đình và các bài tập giữ thăng bằng.
2. Thuốc điều trị viêm tai trong
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng là do vi khuẩn, người bệnh sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh. Các thuốc kháng sinh thường dùng như cephalosporin, chloramphenicol. Các phương pháp điều trị khác có thể được xem xét, dựa trên từng người bệnh cụ thể như: Triệu chứng, tình trạng bệnh lý và các loại thuốc khác mà bệnh nhân sử dụng, có thể bao gồm:
- Thuốc corticosteroid để điều trị viêm
- Thuốc kháng histamine như diphenhydramine, loratadine
- Thuốc điều trị buồn nôn và nôn như ondansetron hoặc prochlorperazine
- Thuốc giảm đau không kê đơn paracetamol để giảm đau hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID) để giảm đau và viêm.
Trong trường hợp viêm tai trong có mủ cần phẫu thuật dẫn lưu.
3. Lưu ý khi dùng thuốc
Khi được bác sĩ kê đơn thuốc, người bệnh cần thực hiện theo đúng hướng dẫn để đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Không tự ý tăng hoặc giảm liều lượng khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.
Một vài ngày sau khi bắt đầu dùng kháng sinh, người bệnh có thể cảm thấy các triệu chứng thuyên giảm nên tự ý ngừng thuốc. Tuy nhiên, việc không dùng hết đơn thuốc có thể khiến nhiễm trùng tái phát và vi khuẩn phát triển đề kháng với kháng sinh, gây nguy hiểm.
Khi dùng thuốc kháng sinh, cũng cần chú ý những tác dụng phụ thường gặp sau:
- Tiêu chảy
- Khó tiêu, đau dạ dày hoặc đầy hơi
- Nhiễm trùng nấm men...
- Phát ban
- Ngứa
- Các vấn đề về hô hấp thở khò khè hoặc khó thở
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định, có một số biện pháp khắc phục tại nhà giúp cải thiện các triệu chứng của viêm tai trong, bao gồm:
- Chườm khăn ấm lên tai.
- Súc miệng bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày.
- Tránh hút thuốc và uống rượu.
- Nghỉ ngơi nhiều.
- Tránh di chuyển đột ngột hoặc thay đổi vị trí.
- Tránh lái xe và vận hành máy móc khi bị bệnh và trong ít nhất một tuần sau khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về thính giác cần thông báo ngay cho bác sĩ.
Theo suckhoedoisong.vn