Mắc bệnh hô hấp liên miên

Chị P.T.K.D. (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) cho biết bé M. - con gái 6 tuổi của chị - rất hay bị khò khè, thở rít. Có tháng, chị phải đưa bé đi khám tới 4 - 5 lần. Mỗi lần như vậy, con phải nghỉ học, mẹ lại nghỉ làm gây nhiều phiền toái cho học tập và công việc. Gần đây nhất, đang đêm, bé M. không ngủ được vì khó thở. Thấy con nguy kịch, vợ chồng chị H. vội vã đưa con đi cấp cứu. Bé M. được chẩn đoán lên cơn suyễn. Bé bị bệnh suyễn nhưng chưa được phát hiện do triệu chứng chỉ giống như tình trạng viêm hô hấp thông thường.

leftcenterrightdel
 Khói thuốc lá liên quan tới 25 bệnh lý, vô cùng độc hại đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Gia đình chị D. và 2 bên nội ngoại không có ai bị suyễn, bé M. từ khi sinh ra cũng bình thường. Các triệu chứng khò khè chỉ bắt đầu xuất hiện khoảng 2 năm nay. Sau khi điều tra bệnh sử, bác sĩ xác định được nguyên nhân khiến bệnh nhi khởi phát cơn suyễn chính là khói thuốc lá. Ông nội bé D. nghiện thuốc lá nặng. Ông mới chuyển từ quê lên sống với gia đình bé M. từ 2 năm trước. Ông thường xuyên cầm điếu thuốc đang hút dở đi khắp nhà. Mỗi ngày, ông hút khoảng 1 gói. Từ đó, bé M. thường xuyên hít phải khói thuốc.

Trường hợp khác là bé N.K.N. (4 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM). Bé N. nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 vì viêm phổi tái đi tái lại. Mẹ bé kể rằng đây là lần thứ tư con gái chị phải nhập viện bởi viêm phổi. Bé mới xuất viện chưa bao lâu, đi nhà trẻ được chừng 1 tuần thì lại ho nhiều, thở khó (lồng ngực co kéo). Chị biết nguyên nhân chính khiến con gái mình hay bị viêm phổi là từ khói thuốc lá của chồng. Mặc dù chị đã nhắc nhở nhiều lần nhưng chồng chị vẫn không thể cai thuốc. Bởi nghiện thuốc lá quá nặng, người anh lúc nào cũng hôi mùi thuốc lá. Gia đình chị sống trong căn hộ chung cư chưa đầy 60 mét vuông nhưng chỗ nào cũng vương vãi tàn và đầu lọc thuốc lá. Thậm chí, có lần bé N. còn bắt chước cha, nhặt đầu lọc thuốc lá trong gạt tàn bỏ vào miệng ngậm. 

Không chỉ gây viêm phổi, khởi phát bệnh suyễn mà khói thuốc lá còn làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa ở trẻ. Điển hình là trường hợp bé Đ.T.A. (5 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM). Mỗi lần mẹ bé tắm cho con, bé cứ né không cho đụng vào tai. Một lần, do sơ ý quẹt trúng tai con khiến bé khóc thét, kêu đau, mẹ bé cứ tưởng do mình đụng làm con đau.

Một đêm, cả nhà đang ngủ, A. bỗng dưng khóc thét, ngồi bật dậy ôm 2 tai. Bé luôn miệng kêu đau tai quá. Mẹ bé bật đèn pin, soi vào thì thấy tai con chảy dịch vàng như mủ. Bác sĩ chẩn đoán A. bị viêm tai giữa. Bé được cho thuốc nhỏ tai và thuốc uống. Sau khi uống thuốc, A. đã khỏi bệnh nhưng thi thoảng bệnh tái phát khiến bé phải ra vào bệnh viện thường xuyên. Bác sĩ xác định A. bị viêm tai giữa mạn tính. Viêm tai giữa không được can thiệp đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: thủng màng nhĩ, giảm hoặc mất thính lực, viêm xương chũm, viêm não…

Sau khi hỏi han, bác sĩ cho biết có thể nguyên nhân do bé sống trong môi trường khói thuốc. Gia đình A. mở quán cà phê cóc. Ngày nào bé cũng theo mẹ ra quán. Khách uống cà phê rất hay hút thuốc lá. Ngày nào cũng ngửi mùi khói thuốc nên mẹ bé thấy bình thường, không ngờ điều này lại ảnh hưởng tới A. như vậy. Sau khi được bác sĩ cảnh báo, mẹ bé chọn giải pháp cho con tới trường mầm non để con không phải tiếp xúc với khói thuốc lá tại quán. 

Để phòng bệnh hô hấp cho con, cha mẹ cần giữ cho môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, tránh ô nhiễm khói bụi và không để trẻ tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa - Ảnh minh họa: Internet
Để phòng bệnh hô hấp cho con, cha mẹ cần giữ cho môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, tránh ô nhiễm khói bụi và không để trẻ tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa - Ảnh minh họa: Internet

 Làm gì để bảo vệ trẻ trước ô nhiễm khói thuốc và môi trường?

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 - trẻ hút thuốc lá thụ động có nguy cơ bị viêm phổi, viêm tai giữa cao gấp đôi bình thường. Khói thuốc lá còn làm khởi phát bệnh suyễn ở trẻ. Trẻ có tiền căn suyễn mà sống trong môi trường khói thuốc lá thì bệnh tình rất khó kiểm soát, thuốc men điều trị cũng kém đáp ứng. 
Bác sĩ Anh Tuấn khuyên rằng những bé có bệnh mạn tính (tim bẩm sinh, loạn sản phế quản phổi, bại não, bệnh lý thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch, suyễn) đặc biệt lưu ý tránh xa khói thuốc lá. Các bệnh nhi dưới 3 tháng tuổi, phổi chưa trưởng thành đầy đủ, đề kháng kém nên chỉ cần yếu tố bất lợi là có thể bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản, phát hiện chậm trễ rất dễ nguy kịch.

Với những trẻ có thể trạng yếu ớt, hay mắc bệnh đường hô hấp, ngoài việc tránh tác nhân khởi phát bệnh, phụ huynh cần lưu ý bổ sung chế độ dinh dưỡng cho con đầy đủ. Trẻ cần tránh suy dinh dưỡng và béo phì để có thể trạng tốt chống chọi với bệnh tật. Hãy cho bé uống nước đầy đủ.

Hiện nay, thời tiết đang rất thất thường: ban ngày thì oi bức nhưng khi mưa xuống lại lạnh, nhiệt độ chênh lệch cao. Vì thế, phụ huynh cần tránh để trẻ bị mắc mưa, luôn chuẩn bị sẵn áo khoác mỏng để giữ ấm cho bé lúc cần thiết. Những lúc nóng nực thì vẫn sử dụng máy điều hòa hoặc quạt máy nhưng cần linh động cài đặt nhiệt độ phù hợp.

Trẻ em nói chung và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nói riêng rất cần được tiêm vắc xin đầy đủ. Ngoài vắc xin trong chương trình tiêm chủng quốc gia, cha mẹ cần lưu ý thêm vắc xin ngừa cúm và phế cầu cho bé.

Khói thuốc lá chỉ là một trong những nguyên nhân làm khởi phát bệnh hô hấp. Để phòng bệnh cho con, cha mẹ còn cần giữ cho môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, tránh ô nhiễm khói bụi và không để trẻ tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa.

Trong 1 điếu thuốc lá có hơn 7.000 chất độc

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng - giảng viên Trung tâm Giáo dục y học Trường Đại học Y Dược TPHCM - từng cảnh báo trong buổi hội thảo về phòng chống tác hại của thuốc lá và các thuốc lá thế hệ mới rằng dù là thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử thì đều gây hại cho sức khỏe.

Từ lâu, tại Việt Nam, tình trạng hút thuốc lá đã trở thành vấn đề đáng báo động. Trong 1 điếu thuốc lá có hơn 7.000 chất độc. Đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác định khoảng 25 bệnh lý liên quan đến việc hút thuốc như ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, tắc động mạch chi dưới…

Chính chất nicotine khiến người hút bị nghiện, từ từ bị lệ thuộc vào thuốc lá. Chỉ 7 giây sau khi hút thuốc lá, nicotine đã có tác dụng hưng phấn lên vỏ não. Sự hưng phấn đó được não bộ ghi nhớ. Khi trạng thái hưng phấn qua đi, lượng nicotine bị sụt giảm, não bộ sẽ kích thích gây cảm giác thèm thuốc lá. Từ đó, người hút thuốc lá sẽ bị nghiện, bắt buộc hút điếu tiếp theo để được cung cấp nicotine trở lại.

Giới chuyên môn đã phân khói thuốc thành 4 loại. Đầu tiên là luồng khói hút vào miệng; tiếp đến là luồng khói nằm ở đầu điếu thuốc lá và thải ra môi trường; thứ ba là luồng khói được người hút thải ra sau khi hít luồng khói thứ nhất; cuối cùng là luồng khói ở lại môi trường.

Ngoài nicotine, thuốc lá còn chứa 7.000 hóa chất khác, trong đó có những chất rất độc đối với cơ thể, ít nhất 69 chất có khả năng gây ung thư. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ cần ở trong phòng có người hút thuốc lá 1 giờ đồng hồ, số hóa chất độc hại cơ thể tiếp nhận tương đương với việc hút 10 điếu thuốc/ngày.

Theo phụ nữ TPHCM