Lý do bệnh thận có thể làm bệnh tiểu đường trầm trọng hơn
Cập nhật lúc 01:12, Thứ ba, 12/11/2024 (GMT+7)
Bệnh tiểu đường và bệnh thận có liên quan chặt chẽ với nhau.
|
|
Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh thận mạn tính. Ảnh - AI: Ngọc Thùy |
Tiến sĩ Mohit Khirbat, bác sĩ chuyên khoa thận, Bệnh viện CK Birla, Gurugram (Ấn Độ) - cho biết, bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh thận mạn tính (CKD), đặc biệt là bệnh tiểu đường type 1 và 2.
Lượng đường trong máu cao sẽ dần dần làm hỏng các động mạch của thận, khiến các cơ quan khó loại bỏ chất thải ra khỏi máu.
Tiến sĩ Mohit Khirbat cảnh báo, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh thận do tiểu đường có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.
Bên cạnh đó, bệnh thận cũng ảnh hưởng đến khả năng xử lý insulin và lượng đường trong máu của cơ thể, khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn.
Cũng theo Tiến sĩ Mohit Khirbat, chức năng thận bình thường giúp kiểm soát nồng độ insulin trong máu. Nhưng ở những người mắc bệnh thận mạn tính, độ thanh thải insulin giảm, có thể làm tăng nồng độ insulin trong máu.
Tình trạng này dẫn đến hạ đường huyết thường xuyên hoặc lượng đường trong máu ở mức thấp, khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường trở nên khó khăn hơn.
Hơn nữa, tăng huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ khác làm trầm trọng thêm các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường, bao gồm bệnh tim và thường do bệnh thận gây ra.
Tình trạng giữ nước và rối loạn điện giải do bệnh thận gây ra cũng khiến việc duy trì lượng đường trong máu trở nên khó ổn định. Vì thận không có khả năng xử lý và đào thải dược phẩm hoàn toàn nên nguy cơ xảy ra tác dụng phụ cao hơn. Do đó, các loại thuốc được sử dụng để kiểm soát bệnh tiểu đường cũng có thể cần phải thay đổi.
Tiến sĩ Khirbat nhấn mạnh rằng, sự tương tác giữa bệnh thận và bệnh tiểu đường tạo thành một vòng luẩn quẩn, khiến những người mắc cả hai bệnh này phải kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu, huyết áp và chức năng thận để ngăn ngừa tình trạng xấu hơn.
Theo laodong