Insulin là một hormon được sản xuất ra bởi tế bào beta của tuyến tụy, hormon này giúp cơ thể sử dụng đường từ máu để tạo năng lượng.

Với đái tháo đường loại 2, vấn đề chính là sự đề kháng insulin. Các tuyến tụy có thể tạo ra insulin, thường với số lượng lớn, nhưng insulin không hoạt động tốt vì các tế bào trong cơ thể đề kháng lại các tác dụng của insulin. Với đái tháo đường loại 2, một thời gian sau tuyến tụy bị suy kiệt, cơ thể trở nên đề kháng với insulin và rơi vào tình trạng thiếu insulin.

Lý giải nguyên nhân tại sao nhiều trẻ mắc bệnh tiểu đường - ảnh 1

Trẻ em càng ít hoạt động thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng cao

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh tiểu đường

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể hiểu rõ tại sao một số trẻ mắc bệnh tiểu đường loại 2 trong khi những trẻ khác thì không, ngay cả khi chúng có các yếu tố rủi ro tương tự nhau.

Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng rủi ro khiến trẻ mắc bệnh tiểu đường, bao gồm:

Cân nặng

Thừa cân là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tiểu đường loại 2 ở trẻ em. Trẻ càng có nhiều mô mỡ đặc biệt là mỡ nội tạng, mỡ bụng, các tế bào trong cơ thể trẻ càng kháng insulin, theo Mayo Clinic.

Ít hoạt động

Trẻ em càng ít hoạt động thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng cao.

Chế độ ăn

Ăn thịt đỏ, thịt chế biến và uống nhiều đồ uống có đường có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn.

Lịch sử gia đình

Trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn.

Tuổi và giới tính

Nhiều trẻ phát triển bệnh tiểu đường ở tuổi thiếu niên, nhưng bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các bé gái có nhiều nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hơn các bé trai.

Mẹ bị tiểu đường thai kỳ

Trẻ sinh ra từ những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn.

Cân nặng khi sinh thấp hoặc sinh non

Cân nặng khi sinh thấp có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn.

Trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn, theo Mayo Clinic.

Bệnh tiểu đường ở trẻ em thường liên quan đến hội chứng chuyển hóa và hội chứng buồng trứng đa nang.

Hội chứng chuyển hóa có liên quan đến tình trạng kháng insulin và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ. Hội chứng chuyển hóa bao gồm đồng thời huyết áp cao, mức cholesterol cao, đường huyết cao và nhiều mỡ bụng.

Hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến bé gái sau tuổi dậy thì, do sự mất cân bằng nội tiết tố. Những trẻ mắc hội chứng này thường gặp vấn đề về trao đổi chất có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin và bệnh tiểu đường loại 2, theo Mayo Clinic.

Theo Thanh niên