1. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm sau sinh
Sau khi sinh, nhất là với người sinh con lần đầu, nhiều sản phụ dễ rơi vào tâm trạng chợt vui, chợt buồn, lo âu, dễ bị kích thích, khó tập trung, mất cảm giác ngon miệng hoặc khó ngủ…
Các biểu hiện trên thường xuất hiện khoảng vài ngày sau sinh, thường không kéo dài khi tâm lý người mẹ ổn định. Hiện tượng này được xem là một phản ứng bình thường ở nhiều sản phụ sau sinh.
Tuy nhiên, nếu tình trạng đó kéo dài vài tuần với các biểu hiện ngày càng nghiêm trọng như: luôn cảm thấy buồn, thờ ơ với những sự việc xung quanh, ăn không ngon, sụt cân, khó ngủ, luôn cảm thấy mệt mỏi, thường khóc không lý do, cảm thấy bồn chồn, âu lo, dễ tức giận, bi quan về tương lai, cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc bị tội lỗi gì ghê gớm, thậm chí có ý nghĩ về cái chết... thì sản phụ đã bị rối loạn trầm cảm sau sinh cần có biện pháp can thiệp sớm.
Không có lý do chính xác nhất giải thích tại sao một số bà mẹ mới sinh bị trầm cảm sau sinh và những người khác thì không, nhưng một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ có liên quan với nhau được cho là góp phần gây ra tình trạng này, đó là:
Thay đổi nội tiết tố: Sau khi sinh con, người phụ nữ phải trải qua sự sụt giảm nghiêm trọng nồng độ hormone estrogen và progesterone. Mức độ tuyến giáp cũng có thể giảm, dẫn đến mệt mỏi và trầm cảm.
Những thay đổi nội tiết tố nhanh chóng này cùng với những thay đổi về huyết áp, hoạt động của hệ thống miễn dịch và quá trình trao đổi chất mà các bà mẹ mới trải qua - có thể gây ra chứng trầm cảm sau sinh.
Thay đổi thể chất và cảm xúc: Quá trình dài mang thai và sinh con mang lại nhiều thay đổi về thể chất và cảm xúc. Người mẹ có thể phải đối mặt với nỗi đau thể xác do sinh nở hoặc khó khăn trong việc giảm cân. Sự thay đổi đó khiến họ không an tâm về sức hấp dẫn thể chất và đời sống tình dục vợ chồng.
Thiếu ngủ: Sự căng thẳng trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh cũng có thể gây ra hậu quả. Các bà mẹ mới sinh thường bị thiếu ngủ. Ngoài ra, họ có thể cảm thấy choáng ngợp và lo lắng về khả năng chăm sóc em bé đúng cách. Những thay đổi này có thể đặc biệt khó khăn nếu là người lần đầu làm mẹ.
2. Mẹ bị trầm cảm sau sinh có ảnh hưởng đến em bé không?
Thông thường, phụ nữ bị trầm cảm sau sinh ít khi chủ động đi khám sớm. Nhiều người trong số họ không biết mình đang bị trầm cảm nên sợ người xung quanh phê phán là không muốn, không thể chăm sóc con hay muốn làm hại con mình.
Bệnh lý trầm cảm ở người mẹ có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển tình cảm, xã hội, ngôn ngữ, nhận thức… ở trẻ. Vì một đứa bé 3 tháng tuổi đã có thể cảm nhận và đáp ứng lại các biểu hiện tình cảm của người mẹ. Ảnh hưởng này sẽ rất khó phát hiện nếu không có sự quan tâm của những người xung quanh.
Sự gắn kết tình cảm giữa mẹ và con đặc biệt quan trọng đối với trẻ sơ sinh. Sự thành công của mối quan hệ không lời này giúp trẻ cảm thấy đủ an toàn để phát triển toàn diện và ảnh hưởng đến cách trẻ sẽ tương tác, giao tiếp và hình thành các mối quan hệ trong suốt cuộc đời.
Một sự gắn bó an toàn được hình thành khi người mẹ cảm thấy hạnh phúc và đáp ứng đầy đủ và nhất quán các nhu cầu về thể chất và tình cảm của con bạn. Khi bé khóc, bạn nhanh chóng dỗ dành bé. Nếu em bé của bạn cười hoặc mỉm cười, bạn sẽ đáp lại bằng niềm vui và hạnh phúc. Về bản chất, bạn và con bạn đang đồng bộ, cùng nhận ra và đáp lại những tín hiệu tình cảm của nhau.
Tuy nhiên, chứng trầm cảm sau sinh có thể làm gián đoạn mối liên kết này. Những bà mẹ bị trầm cảm có thể đôi khi yêu thương và quan tâm, nhưng những lúc khác có thể phản ứng tiêu cực hoặc không phản ứng gì cả. Họ có xu hướng ít tương tác với con hơn, ít cho con bú, ít chơi với con hơn. Họ cũng có thể không nhất quán trong cách chăm sóc trẻ sơ sinh, thậm chí không muốn chăm sóc con hoặc vô thức làm hại em bé...
Trầm cảm ở người mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến em bé.
3. Cần làm gì để phòng ngừa và can thiệp sớm trầm cảm sau sinh?
Mặc dù không có biện pháp cụ thể nào để tránh được trầm cảm sau sinh nhưng vẫn có cách để bảo vệ sức khỏe tâm sinh lý và làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngay từ khi mang thai, người phụ nữ cần được chăm sóc tốt về sức khỏe thể chất và tinh thần, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, tránh những cảm xúc tiêu cực không cần thiết.
Nên chủ động tham gia các lớp tiền sản cho cả người vợ và người chồng trước khi sinh con hoặc ít nhất nên tham khảo tư vấn của bác sĩ những kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khỏe sinh sản; kiến thức cơ bản về cách chăm sóc em bé.
Người chồng và những người thân trong gia đình nên quan tâm đến tình trạng sức khỏe và những nhu cầu tâm lý của người vợ trong giai đoạn thai kỳ, hậu sản để có thể hỗ trợ vợ mình một cách tốt nhất.
Đặc biệt, bản thân người mẹ cũng nên chủ động đề nghị những người trong gia đình chia sẻ những khó khăn, vất vả khi chăm sóc em bé để có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau sinh.
Ngay khi cảm thấy có dấu hiệu bất ổn về tâm lý, đừng lo sợ hoặc giữ cảm xúc cho riêng mình. Cần chia sẻ những gì bạn đang trải qua với gia đình, bạn bè và đi khám sớm để có được sự giúp đỡ, can thiệp kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn