Ảnh minh họa
Từ lớp 5 trở về trước, con "bám đít" mẹ đi khắp mọi nơi. Thế giới của con lúc đấy chỉ có mẹ. Con quấn quýt và nói yêu mẹ suốt ngày. Có chuyện gì ở trường lớp, con cũng kể với mẹ. Chỉ cần bạn bè nào trêu chọc, con dễ dàng khóc nức nở trước mặt mẹ. Mẹ luôn gọi con là công chúa mít ướt của mẹ. Lúc nào mẹ cũng là người bảo vệ, chở che cho con.
Vậy mà từ khi bước vào lớp 6, quan hệ giữa mẹ và con thay đổi một cách chóng vánh. Trước kia, con nài nỉ mẹ đi liên hoan cùng lớp con thì giờ đây con ghét nhất sự có mặt của mẹ trước các bạn của con. Con thích được tự do, thích được tận hưởng cái thú hành động một mình. Con muốn được chịu trách nhiệm với cuộc sống của con, con muốn được tự quyết.
Con muốn quyết định món ăn trưa, câu lạc bộ và môn thể thao để tham gia. Con muốn có những người bạn do chính con lựa chọn chứ không phải là những người bạn do bố mẹ hai bên là chỗ bạn bè. Con có những cảm nghĩ và trải nghiệm mới mà không muốn chia sẻ với mẹ. Con có những bí mật giữ riêng cho mình. Con muốn có những trải nghiệm về cuộc sống tự lập.
Với con, thế giới ở tuổi này thật sinh động. Thế nhưng, từ đây, quan hệ giữa mẹ và con trở nên căng thẳng. Con muốn được tự làm nhiều thứ nhưng mẹ luôn ngăn trở. Mẹ đòi quyết định thay con, mẹ tra hỏi mọi việc diễn ra trong ngày và chẳng bao giờ để cho con yên.
Con có cảm tưởng rằng mẹ đối xử với con chẳng khác gì đứa con nít. Mẹ không nhận ra con gái của mẹ đã lớn. Mẹ luôn che chở con quá mức cần thiết. Con phát cáu khi cứ phải nghe mẹ nói: "Cẩn thận!", "Gọi điện thoại báo cho mẹ ngay khi đến nơi"...
Chỉ cần con đi ra ngoài với bạn là mẹ điện thoại liên tục hỏi con ở đâu, làm gì và dặn dò con đủ mọi thứ. Con biết mẹ lo lắng cho con nhưng con có cảm giác không thoải mái. Mẹ có biết, lúc con đang vui vẻ bên bạn bè, lát lại vang lên tiếng điện thoại của mẹ khiến các bạn nhìn con "như kẻ phá đám". Không dè bỉu nhưng các bạn đều cho rằng con chẳng khác gì "học sinh mẫu giáo", "bước một bước có mẹ đứng đằng sau".
Con biết mẹ lo những nguy hiểm bên ngoài rình rập con. Nhưng con không thể chịu nổi việc phải nghe mẹ tra vấn cả trăm câu hỏi về những gì diễn ra trong ngày khi đi học về. Dù con đã kể những việc đã làm nhưng với mẹ thế vẫn chưa đủ. Mẹ luôn muốn biết nhiều hơn. Nhiều hôm tâm trạng không tốt, về nhìn thấy mẹ con chỉ muốn tránh xa. Cái tính lo lắng thái quá của mẹ, những câu rầy la của mẹ khiến con cảm thấy bị làm phiền.
Dù có "phê bình" mẹ thế nào thì con không thể phủ nhận nhờ có mẹ "sát sàn sạt" ở bên mà mẹ đã cho con vô vàn lời khuyên để con có thể vượt qua nhiều tình huống khó xử. Mẹ đã chỉ cho con thấy những góc nhìn về cuộc sống mà con không thể học được từ những người bạn cùng trang lứa. Con rất cần mẹ ở giai đoạn này. Tuy nhiên, con sẽ cần kiên nhẫn với chính bản thân và với mẹ. Con sẽ không ngúng nguẩy, dằn dỗi khi bị mẹ "làm phiền" mà con sẽ nói cho mẹ biết con muốn và cần gì ở mẹ. Con muốn mẹ và con cùng cố gắng để tìm nói tiếng nói chung, để mối quan hệ giữa mẹ và con thân thiết trở lại.
Thu Hương