Tiến sĩ Anupam Anand, Khoa Y học Tổng quát, Bệnh viện Sharda - Delhi (Ấn Độ) - cho biết: “Những người bị tăng huyết áp có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao gấp 1,6 lần so với những người có huyết áp bình thường”.
Cũng theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tăng huyết áp cho thấy, cứ mỗi 10 mmHg huyết áp tâm thu tăng thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng 12%. Tăng huyết áp có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thông qua một số cơ chế. Những cơ chế này có thể bao gồm:
Tổn thương mạch máu
Huyết áp cao tác động lực quá mức lên thành mạch máu, dẫn đến tổn thương và hẹp mạch máu, từ đó làm suy yếu khả năng cung cấp insulin cho các tế bào, dẫn đến tình trạng kháng insulin và cuối cùng là bệnh tiểu đường.
Tổn thương thận
Tăng huyết áp có thể khiến thận phải làm việc quá sức, dẫn đến viêm và hạn chế lưu lượng máu, từ đó ảnh hưởng đến khả năng lọc glucose của thận, gây ra tình trạng tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao).
Viêm
Viêm mạn tính có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin bằng cách làm suy yếu chức năng của thụ thể insulin trong tế bào, khiến insulin khó điều chỉnh lượng đường trong máu một cách hiệu quả.
Các bước để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Tiến sĩ Anupam chia sẻ: “Nếu bạn bị tăng huyết áp, việc thực hiện các bước chủ động có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường”.
- Theo dõi huyết áp thường xuyên.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên.
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng.
- Quản lý căng thẳng.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Theo laodong