Cúm gia cầm là virus gây cúm chim 

Theo Bộ Y tế, trường hợp mắc cúm gia cầm - cúm A/H5N1 ghi nhận mới nhất tại Việt Nam, là nam bệnh nhân 21 tuổi, ở Khánh Hòa. Do bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân đã tử vong ngày 23.3.

Mối liên quan giữa chim hoang dã và cúm gia cầm H5N1- Ảnh 1.

Cúm chim (bird flu) hay cúm gia cầm do virus gây ra cho các loài chim và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú. REUTERS

Theo kết quả điều tra dịch tễ, vào dịp trước và sau tết Nguyên đán 2024, bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã ở gần khu vực sinh sống. Xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống không có hiện tượng gia cầm ốm, chết.

Lưu ý về mối liên quan giữa chim hoang dã và cúm gia cầm H5N1, cũng như nguy cơ nhiễm virus cúm gia cầm từ chim hoang dã, PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng vì cúm A/H5N1 lưu hành ở chim hoang dã và chim hoang dã là ổ chứa rồi sau đó lây sang gia cầm, rồi từ gia cầm lây cho gia cầm khác tạo thành dịch ở gia cầm; và lây sang người gây bệnh ở người.

"Với tính chất đó, virus cúm gia cầm có tính chất khác hẳn so với một số bệnh truyền nhiễm khác như: sởi, bại liệt chỉ có nguồn truyền nhiễm duy nhất là người (không bao giờ là động vật)", ông Phu lưu ý.

Nguy cơ cúm chim và cúm người tạo nên virus cúm mới 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm chim (avian influenza hay bird flu) hay cúm gia cầm là loại bệnh cúm do virus gây ra cho các loài chim và có thể xâm nhiễm một số loài động vật có vú.

Virus này được phát hiện lần đầu tiên cách đây hơn 100 năm và giờ đây phát hiện ở hầu hết các nơi trên thế giới. Virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A.

Điều kiện thuận lợi làm tăng tính thay đổi của virus cúm là do người sống gần các loại gia cầm nuôi và lợn. Vì lợn có cảm thụ cao với cả virus cúm chim và virus cúm của các loài động vật có vú, bao gồm các chủng virus ở người, do đó, nó có thể đóng vai trò như là động vật trộn lẫn các vật liệu di truyền của các virus.

Chim có thể đào thải virus theo đường miệng và phân, do đó làm tăng lan truyền theo các đàn chim di cư. Nó có khả năng truyền trực tiếp từ chim, gà sang người.

Nếu có nhiều người mắc bệnh thì làm tăng khả năng: người bệnh trở thành nơi trộn lẫn các virus cúm người và động vật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tổ hợp hình thành virus mới với gen virus cúm người và làm cho dịch dễ lan truyền từ người sang người, gây nên đại dịch ở người.

Theo Cục Y tế dự phòng, cúm A/H5N1 luôn là mối quan tâm của các nhà khoa học, với nhiều lý do, trong đó, đặc biệt lo ngại bởi đặc điểm "nó biến dị nhanh và cho thấy nó chứa các gen của các virus nhiễm từ các loài động vật khác nhau". Virus H5N1 còn có tính sinh bệnh cao, độc lực mạnh, có khả năng gây bệnh nặng ở người.  

Theo một chuyên gia về y tế dự phòng, về lý thuyết, mọi người đều có khả năng cảm nhiễm với virus cúm A/H5N1. Tuy nhiên, vì H5N1 là virus của loài chim và gia cầm nên khả năng gây bệnh, lan truyền ở người là rất thấp. Trong hàng trăm tuýp virus cúm gia cầm, hiện chỉ có 4 chủng được biết là gây bệnh ở người, đó là H5N1, H7N3, H7N7 và H9N2, thì H5N1 là virus thường gây bệnh nặng khi gây bệnh trên người. 

Theo một chuyên gia của Bộ Y tế, Việt Nam vẫn duy trì giám sát các ca bệnh đường hô hấp do nhiễm cúm. Hiện chưa ghi nhận các biến đổi bất thường của virus cúm A/H5N1. Nhưng cần lưu ý, điều kiện thuận lợi làm tăng tính thay đổi của virus cúm là do người sống gần các loại gia cầm nuôi.

Theo Thanh niên