Biểu hiện của bệnh là cứng khớp vào buổi sáng, sưng đau có tính đối xứng ở nhiều khớp nhỏ, co duỗi, cử động khó khăn. Các khớp thường bị tổn thương là khớp gần đầu các ngón tay, ở bàn tay, cổ tay, ngón chân, bàn chân... Khớp sưng to và đau, ấn vào đau tăng lên.
Hiện tượng cứng khớp thường xuất hiện sau khi nghỉ ngơi, khi hoạt động giảm nhẹ. Bệnh diễn biến theo từng đợt, kéo dài lâu ngày, nặng dần, sẽ dẫn đến dính khớp, biến dạng khớp, cứng khớp, thậm chí tàn phế. Giai đoạn cuối, có thể liên lụy đến các cơ quan nội tạng khác, như viêm màng tim, viêm cơ tim, thoái hóa mô thận, viêm kết mạc...
Bệnh viêm khớp dạng thấp có tính đối xứng ở nhiều khớp nhỏ, co duỗi, cử động khó khăn.
1. Công dụng của thịt lươn
Lươn là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Theo Đông y, thịt lươn có vị ngọt, tính ấm; vào 3 kinh Tỳ, Can và Thận; có tác dụng bổ ích hư tổn, trừ phong thắng thấp, cường cân tráng cốt. Chủ trị người yếu mệt, đau nhức xương khớp, viêm khớp, tiểu tiện bất lợi, trĩ sang xuất huyết...
Sách "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh viết: Lươn vị ngọt, tính rất ấm, không độc, bổ trung ích khí, chữa băng huyết lậu huyết, khử thấp, trừ phong, ấm bụng.
Sách "Lĩnh Nam bản thảo" của Hải Thượng Lãn Ông cũng có những nhận định về tính năng của con lươn như sau: Lươn tính ấm không độc, có công dụng bổ trung ích khí, đuổi thấp trừ phong, cường cân tráng cốt.
Chả lươn cuốn lá lốt giảm viêm khớp dạng thấp
2. Cách dùng thịt lươn giảm viêm khớp dạng thấp
- Chả lươn cuốn lá lốt: Thịt lươn 500g, đã làm sạch, cắt miếng, đem ướp gừng, tỏi và muối tiêu; dùng lá lốt gói lại, nướng hoặc rán chín ăn.
Theo Đông y, lá lốt có vị cay, tính ấm, có tác dụng ôn trung, tán hàn, chỉ thống (cắt cơn đau); dùng trị phong hàn thấp, chân tay lạnh, tê bại, các chứng đau xương khớp do hàn thấp (lạnh ẩm) kết hợp với thịt lươn có tác dụng khử phong trừ thấp, giảm viêm khớp dạng thấp
- Cháo lươn hạt ý dĩ: Thịt lươn 300g, ý dĩ nhân 60g, gạo tẻ 120g. Nấu cháo đặc, ăn ngày 1 lần, liệu trình 2 tháng.
Theo Đông y, ý dĩ có vị ngọt, tính bình; có tác dụng kiện tỳ, thẩm thấp, trị phong thấp tê bại, các bệnh phù nề, cước khí, các chứng đau xương khớp, co duỗi khó khăn kết hợp với thịt lươn có tác dụng bổ dưỡng, trừ tê, giảm viêm khớp dạng thấp.
- Lươn kho thiên ma: Lươn non 500g, thiên ma 10g. Thiên ma rửa sạch ngâm rượu trắng 2 ngày.
Lươn non còn gọi là "đồng tử thiện ngư", là lươn chưa trưởng thành, chưa giao phối, thân nhỏ chỉ bằng chiếc bút lông; còn gọi là "lươn quản bút". Loại lươn này tính ấm, có tác dụng hoạt huyết chỉ thống.
Cách làm như sau: Lươn làm sạch, rán xơ với dầu, sau đó cho lươn vào niêu hoặc nồi, đổ nước thiên ma vào, đun nhỏ lửa 20 phút, nêm gia vị ăn nóng.
Theo Đông y, thiên ma tính bình, vị ngọt; có tác dụng trừ phong, trấn kinh, giảm đau; dùng trị đau đầu, tê nhức chân tay, bán thân bất toại, tứ chi co quắt, đánh trống ngực, liệt nửa người... kết hợp với thịt lươn có tác dụng khử phong trừ thấp, giảm viêm khớp dạng thấp.
Theo suckhoedoisong.vn