Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Minh Huy - giảng viên bộ môn mắt Đại học Y Dược TPHCM - để mọi người hiểu hơn về các tác động của nghiện game đối với thị lực và sức khỏe của trẻ em.

Ảnh hưởng lâu dài

Phóng viên: Bác sĩ có từng ghi nhận trường hợp nào tới khám mắt do tác hại từ nghiện game? Xin bác sĩ hãy kể vài trường hợp điển hình đã gặp để mọi người thấy rõ hơn về hậu quả của nghiện game?

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Minh Huy: Tôi từng ghi nhận các trường hợp được cha mẹ đưa đi khám vì xuất hiện các vấn đề bất thường ở mắt. Những bé này đều có đặc điểm chung là rất mê chơi game. Gần đây nhất là một nam sinh lớp Mười một, tên P.V.H. - ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM. Bé đi khám vì mắt bỗng dưng bị khô, chảy nước mắt liên tục và nhìn mờ. H. kể rằng mình bắt đầu tiếp xúc với game online lẫn offline chỉ để giải trí vài phút hoặc vài tiếng sau giờ học.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Minh Huy kiểm tra thị lực cho một bệnh nhi - Ảnh do bác sĩ cung cấp
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Minh Huy kiểm tra thị lực cho một bệnh nhi - Ảnh do bác sĩ cung cấp

 

Thế rồi chẳng biết từ lúc nào, cậu bé đã tăng tần suất số lần chơi game và thử qua nhiều loại game. Càng chơi H. càng ham, rồi dẫn đến “nghiện” lúc nào không hay. Ngoài giờ đi học, H. mải mê chơi game cả ngày đến mức quên ăn, quên ngủ, học lực giảm sút và suy giảm sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Mẹ cậu bé cũng hiếm khi thấy mặt con bởi hễ về tới nhà là H. lại rúc vào phòng, bật máy tính chơi game. Có những hôm 1-2 giờ sáng, người mẹ vẫn thấy phòng con sáng đèn. H. không còn ăn cơm cùng gia đình trong bữa tối mà bưng cơm vào phòng, vừa ăn vừa chơi game.

Cha mẹ đã nhiều lần nói chuyện, khuyên can nhưng tình trạng nghiện game của H. không hề cải thiện. Cha mẹ ngắt internet thì H. lại tự kết nối 3G từ điện thoại để chơi. H. đã lớn nên có nhiều chiêu trò để đối phó, phụ huynh chỉ biết bất lực. Hậu quả của nghiện game làm cho H. từ học sinh khá tụt xuống học lực trung bình. Cha mẹ cậu vô cùng lo lắng vì chỉ còn vài tháng nữa là con bước vào năm học cuối cấp III. Nếu H. không thức tỉnh kịp thời, 12 năm ăn học sẽ đổ sông đổ bể.

Thêm một trường hợp nữa là bé P.A.K. (15 tuổi, ngụ tại một vùng xa thuộc Tây Nguyên). Do vị trí địa lý hạn chế nên từ khi được tiếp xúc với mạng internet, điện thoại và biết tới game, K. chìm đắm trong thế giới ảo.

Gần đây, K. không nhìn thấy chữ trên bảng nên không chép bài được, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Nhân dịp về TPHCM thăm họ hàng, cha K. đã tranh thủ đưa con đi khám mắt. Bé tâm sự thường lên mạng tìm bạn bè ảo, cố gắng tranh thứ bậc cao trong game để được bạn bè công nhận. Cảm giác được khẳng định bản thân trong trò chơi điện tử khiến bé “nghiện” lúc nào không hay. Thị lực của K. bị suy giảm tạm thời do mắt phải điều tiết quá độ. Nếu bé tuân thủ kiêng game và áp dụng chế độ cho mắt nghỉ ngơi đầy đủ thì vẫn hồi phục được.

* Thưa bác sĩ, chơi game quá độ gây ảnh hưởng tới mắt tức thì hay cần trải qua một thời gian dài? Cơ chế tác động tới mắt của việc chơi game quá độ như thế nào?

- Việc chơi game nói riêng và sử dụng thiết bị điện tử quá mức nói chung ảnh hưởng đến mắt không chỉ trong ngắn hạn mà còn về lâu dài. Tác hại đầu tiên và thường gặp nhất là khô mắt. Động tác chớp mắt làm dàn trải đều lớp phim nước mắt lên toàn bộ bề mặt nhãn cầu. Chính nước mắt giúp bôi trơn và dưỡng ẩm cho đôi mắt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng thiết bị điện tử bao gồm máy tính, điện thoại, máy tính bảng thường xuyên trong thời gian dài làm giảm 66% tần suất chớp mắt, khiến nước mắt bị bốc hơi dẫn đến tình trạng khô mắt từ nhẹ đến nặng.

Nhìn chăm chú vào màn hình liên tục trong nhiều giờ đòi hỏi mắt phải tập trung cao độ hơn so với việc nhìn một vật thể tĩnh như đọc sách. Để dễ hiểu, ta có thể hình dung khi chơi trò chơi điện tử, mắt phải liên tục di chuyển theo những hình ảnh trong game, xuất hiện và thay đổi kích thước, độ nét trong vài giây hay thậm chí vài khắc. Điều đó đòi hỏi mắt điều tiết quá nhiều gây ra hội chứng thị giác màn hình (Computer Vision Syndrome - CVS) không chỉ ảnh hưởng tạm thời trong vài ngày mà còn có thể kéo dài hàng tuần, vài tháng với mức độ tăng dần theo tần suất chơi game.

Một tác hại không thể bỏ qua của việc sử dụng màn hình điện tử quá mức là gia tăng nguy cơ xuất hiện và tiến triển cận thị ở người trẻ. Ngày nay, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh ánh nắng mặt trời là yếu tố bảo vệ đôi mắt khỏi khởi phát cận thị. Khi chúng ta dành quá nhiều thời gian để chơi game hoặc lướt mạng xã hội sẽ làm giảm thời gian sinh hoạt ngoài trời dưới ánh nắng mặt trời và không gian rộng. Thêm vào đó, việc tập trung nhìn vào màn hình ở khoảng cách gần trong thời gian dài làm mắt điều tiết quá mức, chỉ có thể nhìn vật ở khoảng cách gần, làm tăng nguy cơ rối loạn điều tiết và tiến triển tật khúc xạ.

Dành thời gian cho trẻ sinh hoạt dưới ánh nắng mặt trời

* Trên thế giới từng ghi nhận trường hợp bị mù mắt sau 1 đêm chơi game. Tại sao tình trạng này có thể xảy ra, thưa bác sĩ?

- Một số bài báo nước ngoài có đề cập đến một nữ bệnh nhân người Trung Quốc ngoài 20 tuổi, “nghiện” sử dụng điện thoại. Sau 24 giờ chơi game liên tục không ngủ, không nghỉ ngơi, bệnh nhân này phải nhập viện vì một bên mắt mất thị lực hoàn toàn. Bệnh nhân được chẩn đoán tắc động mạch võng mạc, tiên lượng hồi phục thị giác kém. Tắc động mạch võng mạc thường do huyết khối gây nên, nguyên nhân tại chỗ có thể kể đến như xơ vữa động mạch hoặc do huyết khối từ nơi khác đến, hiếm gặp hơn như trong viêm mạch hệ thống do Lupus ban đỏ hoặc viêm động mạch tế bào khổng lồ. Việc chơi game liên tục khiến bệnh nhân ngồi hoặc nằm bất động trong thời gian dài, tăng nguy cơ rối loạn lipid máu và xuất hiện huyết khối, gây tắc mạch máu võng mạc, mù đột ngột.

Tuy nhiên, việc khẳng định mối liên hệ hoàn toàn tình trạng này do lạm dụng thiết bị điện tử là còn chưa đủ căn cứ khoa học, cần thêm thời gian và nhiều bằng chứng khoa học đáng tin cậy. Dẫu vậy, mối liên quan của tình trạng mù mắt đột ngột với nghiện game là có thể xảy ra. Điều này như một hồi chuông cảnh báo.

* Khi mắt bị ảnh hưởng bởi chơi game và sử dụng các thiết bị điện tử sẽ có biểu hiện thế nào, thưa bác sĩ?

- Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng khô mắt nhẹ và trung bình bao gồm: cảm giác khô, cộm xốn, lóa mắt, nhìn mờ và đỏ mắt. Khô mắt mức độ nặng có thể gây viêm giác mạc, loét giác mạc dẫn đến giảm thị lực khó hồi phục.

Hội chứng thị giác màn hình (Computer Vision Syndrome - CVS) dùng để mô tả các triệu chứng mỏi mắt, nhìn mờ, nhạy cảm ánh sáng, nhức mắt có hoặc không đi kèm tình trạng đau đầu, nhức mỏi vai và lưng.

Đối với đa số tình trạng khô mắt nhẹ - trung bình, có thể điều trị bằng cách sử dụng nước mắt nhân tạo, giảm thời gian dùng thiết bị điện tử. Nhưng, một khi đã diễn tiến đến viêm loét giác mạc, khả năng phục hồi thị lực vô cùng thấp. Triệu chứng nhức mỏi mắt, nhìn mờ trong hội chứng thị giác màn hình có thể cải thiện bằng cách áp dụng quy tắc 20-20-20, nghĩa là cứ mỗi 20 phút làm việc hoặc chơi game liên tục, cần dành ra 20 giây để nhìn ra xa 20 feets (tương đương 6 mét).

Để mắt không bị ảnh hưởng do tiếp xúc quá mức với các thiết bị điện tử, ngoài việc áp dụng quy tắc 20-20-20, phụ huynh cần giới hạn tổng thời gian tiếp xúc màn hình điện tử, tùy theo lứa tuổi và nhu cầu học tập, sinh hoạt của con. Cần lưu ý độ sáng màn hình phù hợp, không quá tối khiến mắt phải điều tiết nhiều. Không nên cho trẻ chơi game, sử dụng điện thoại, máy tính trong không gian thiếu ánh sáng. Một lời khuyên rất quan trọng nhưng khó thực hiện đối với phụ huynh là dành thời gian cho trẻ sinh hoạt dưới ánh nắng mặt trời tối thiểu 2 giờ mỗi ngày để ngăn chặn khởi phát và tiến triển cận thị. Cha mẹ có thể cân nhắc cho trẻ sử dụng các loại tròng kính với lớp phủ chống ánh sáng xanh, chống chói, giúp trẻ giảm triệu chứng mỏi mắt khi sử dụng thiết bị điện tử.

* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ.

Theo phụ nữ TPHCM