Gửi chị Hạnh Dung,

Em lấy chồng được hơn 8 năm, đã có một bé trai 6 tuổi, một bé gái 2 tuổi.

Chồng em là nhân viên một xưởng gỗ. Những lúc có việc làm thì không sao, nhưng những lúc không làm việc, chồng cứ ôm điện thoại chơi game. Những việc trong nhà, nếu em không lên tiếng nhờ giúp, thì chồng cũng không tự giác làm.

Ngoài chơi game, chồng em còn đam mê nghe truyện. Chỉ trừ thời gian làm việc và ngủ, thời gian còn lại chồng em lúc nào cũng đeo tai nghe để nghe truyện, kể cả giờ ăn cơm. Những lúc muốn nói chuyện với chồng, em phải hét lớn để chồng nghe.

Vì vậy mà em luôn cảm thấy bực bội với chồng. Em còn yêu cầu chồng không được chơi game trước mặt các con. Tuy nhiên, chồng em không hề từ bỏ, mà còn biện minh rằng anh không ăn nhậu, không cờ bạc, không lăng nhăng, nên chỉ có game làm thú tiêu khiển.

Chị Hạnh Dung tư vấn giúp em làm cách nào để chồng em bỏ game, truyện, cùng em chăm sóc và dạy con học. Em cảm ơn chị.

Nguyễn Thị Thùy Diễm

leftcenterrightdel
 

Em Thùy Diễm thân mến,

Chị thấy mâu thuẫn của em và chồng thật ra không hề quá nghiêm trọng. Quan trọng là em cần hết sức bình tĩnh, kìm chế sự bực bội của mình đề không gây thành chuyện cãi nhau.

Để giải quyết vấn đề này, em cần phải từ tốn thay đổi chồng bằng nhiều buổi nói chuyện, chia sẻ. Hạnh Dung nhấn mạnh nói chuyện và chia sẻ, chứ không phài là trách móc hay chỉ trích, em nhé.

Em cần phải giúp chồng nhận ra một điều, rằng tuy chơi game, nghe truyện không gây tán gia bại sản như cờ bạc, đàn đúm rượu chè, lăng nhăng, nhưng chúng đều có thể gây hại cho gia đình khi không kiểm soát được mức độ chơi.

Bởi cái nguy hiểm nhất cho hạnh phúc của một gia đình khi người ta quá đam mê một điều gì đó, chính là người dính vào nó không còn thời gian, trí óc quan tâm hay chăm lo cho gia đình.

Càng lớn, những đứa con càng cần nhiều sự quan tâm, bảo ban và dạy dỗ nhiều hơn. Và trách nhiệm đó chắc chắn phải được san sẻ giữa hai vợ chồng chứ không thể một mình em gánh vác. Một mình với việc nhà, việc dạy dỗ chăm sóc con sẽ khiến em kiệt sức cả về tinh thần lẫn sức khỏe. Thiếu đi cả hai điều đó, em cũng không thể tập trung vào chăm sóc cho các con tốt được.

Ngoài những cảm xúc và tình trạng sức khỏe, tinh thần của mình, em cũng nên cho chồng hiểu rằng chứng nghiện game của anh không chỉ làm rạn nứt tình cảm vợ chồng, mà nó còn có tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của các con em. Khả năng chúng cũng bắt chước và bị nghiện điện thoại từ sớm là hoàn toàn có thể.

Ngoài việc yêu cầu chồng giúp mình chơi và chăm sóc các con, em có thể gợi ý chồng những thói quen giúp ích hơn cho chính đời sống tinh thần và sức khỏe của anh.

Em có thể thỏa hiệp với anh, rằng anh không cần phải bỏ thói quen chơi game hoàn toàn, tuy nhiên nên giới hạn nó trong khoảng 1-2 tiếng một ngày. Ngoài ra, anh nên tìm cho mình một hoạt động thể thao, để không chỉ tăng cường sức khỏe, mà còn cải thiện tinh thần.

Anh có thể chạy bộ, đạp xe hoặc chọn các hình thức thể thao mà anh vẫn có thể vừa làm vừa đeo tai nghe để nghe truyện. Hình ảnh một người bố có lối sống tích cực có tác động rất tốt với con cái. Từ đó mà những hoạt động thể thao có thể trở thành sinh hoạt chung của gia đình.

Khi bắt đầu có thói quen cùng nhau tập luyện hay tham gia những trò chơi vận động, chồng em cũng sẽ dần cảm thấy thú vị khi được ở cùng con. Anh sẽ biết dành nhiều thời gian hơn cho con, chỉ bảo, dạy dỗ các con. Việc đó vừa giúp anh cai nghiện game, vừa giúp anh trở nên một người bố tốt trong việc giúp con cái tăng cường sức đề kháng, phát triển trí não và chiều cao.

Nếu trong thời gian dài, chồng em vẫn chứng nào tật nấy, không ý thức được trách nhiệm của một người cha, thì em cũng có thể nhờ bố mẹ chồng giúp sức. Sự nhắc nhở, rầy la của bố mẹ bao giờ cũng có những tác động ít nhiều đến "một đứa trẻ to đầu, lớn xác còn chơi game".

Theo phụ nữ TPHCM