Một người đang sử dụng bình oxy mini - Ảnh: T.Dương
Chị N.T.H.T. (36 tuổi, ngụ ở Q. Bình Thạnh, TP.HCM) kể từ khi nghe thông tin không khí ô nhiễm, có bụi mịn, chị và bạn bè của chị đã mua những bình oxy mini về thở để bổ sung năng lượng, có nguồn không khí sạch nhất cho cơ thể. Thực hư ra sao?
Quảng cáo bổ sung nguồn không khí sạch
Một số hãng bình oxy quảng cáo sử dụng bình này cho những bệnh nhân cần thở oxy thường xuyên như những người bị bệnh tim, bệnh hen suyễn.
Có những bình lại ghi rằng "bổ sung năng lượng để luyện tập thể thao", "sử dụng để có nguồn không khí sạch nhất cho sự sống", "khi mệt mỏi, căng thẳng, người già suy nhược cơ thể, khó ở".
Tóm lại, ngoài những bệnh nhân ra thì theo quảng cáo những người bình thường đều có thể sử dụng được.
Tại một phòng spa, một nhân viên còn quảng cáo hít thở oxy trong những phòng thở oxy của spa này sẽ làm cho đầu óc hết mệt mỏi, căng thẳng, da đẹp lên và sức khỏe sẽ tốt hơn vì người thở đã được thở không khí sạch nhất. Thở oxy còn giúp cho người thở loại bỏ được những bụi mịn đang có trong không khí hiện nay.
Bà Lê Thị Tuyết Lan, phó chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, kể có lần đại diện một sân golf đã mời bác sĩ hợp tác vì họ muốn thành lập một phòng thở oxy để phục vụ cho những người sau khi chơi golf xong. Phòng hồi sức này sẽ có máy lạnh cho người chơi golf nghỉ ngơi và có những máy oxy cho người chơi golf thở.
Lúc đó bác sĩ Tuyết Lan mới trả lời đối với ngành y không có chỉ định oxy cho một người bình thường và đã từ chối.
Chỉ định cực kỳ nghiêm ngặt
Theo bà Tuyết Lan, trong y khoa, không sử dụng oxy liệu pháp cho những người bình thường. Oxy trong y khoa được coi là thuốc nên có cả tác dụng tốt và tác dụng phụ. Chỉ định dùng oxy là cực kỳ nghiêm ngặt.
Chỉ bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mới được sử dụng oxy nhưng các bác sĩ cũng rất cân nhắc vì không phải ai cũng cần thở oxy.
Bác sĩ phải thử máu động mạch, phân tích khí máu động mạch hai lần cho bệnh nhân rồi mới quyết định. Bệnh nhân đạt những tiêu chuẩn cần dùng oxy mới bắt đầu được sử dụng oxy.
Ngay cả khi quyết định cho bệnh nhân được sử dụng oxy, bác sĩ cũng phải xác định liều lượng oxy là bao nhiêu (ví dụ như 1 lít/phút, 2 lít/phút...), thời gian sử dụng trong ngày là bao nhiêu vì sử dụng oxy là có độc tính phải tái khám để quyết định lại bệnh nhân còn thở oxy tiếp tục hay không.
Ngoài bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh nhân bị suy hô hấp, bệnh nhân suy tim mới được chỉ định thở oxy.
Nguy cơ phù, xơ phổi, cháy nổ...
Chưa kể, khi sử dụng oxy phải rất cẩn thận vì oxy là một chất gây cháy nổ. Do vậy, những nơi sử dụng oxy phải tuyệt đối không được hút thuốc lá. Những nơi có oxy cao áp thì không được có một công tắc điện nào trong phòng oxy cao áp vì công tắc điện cũng có thể xẹt ra tia lửa, có nguy cơ cháy nổ. Những điều này cho thấy phải thật cẩn thận khi sử dụng oxy.
Trong y khoa, chưa có cơ sở khoa học nào sử dụng oxy cho một người bình thường. Thở oxy 50% trong suốt hai ngày có thể làm phổi bị phù và xơ phổi. Thở 100% oxy trong vòng một ngày, người thở sẽ bị đau ở vùng xương ức, thở quá hai ngày sẽ bị ngộ độc oxy.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại bình oxy, bình lớn, bình nhỏ hoặc máy chiết xuất oxy từ khí trời có thể sạc oxy vào trong một cái bình nhỏ, mang trong túi, đi ra ngoài đường 2-3 tiếng để thở. Dù chọn sử dụng loại bình oxy nào cũng phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Nhiều người cho rằng thở oxy sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, bù đắp lại cho cơ thể những lúc hít phải bụi mịn. Tuy nhiên bà Tuyết Lan khẳng định trong khí trời hiện nay đã có đủ oxy.
Trong khí trời có 150mm thủy ngân oxy, khi đến phế nang còn lại 100mm vì hòa lẫn với các khí ở trong phổi, khi đi vào máu động mạch (máu đỏ) còn 95mm, khi đến mô còn 40mm thủy ngân oxy. Và khi đến mô nó chỉ cần 40mm thủy ngân oxy, chứ không cần nhiều. Vì nếu nhiều hơn sẽ độc hại cho mô.
Ngay bản thân cơ thể cũng biết oxy là độc cho nên cơ thể cũng lấy oxy theo nhu cầu của mình. Nhu cầu cho tới tận tế bào chỉ là 6mm thủy ngân oxy. Trong khi đó nếu cho thở oxy 100% thì sẽ là 760mm thủy ngân oxy vì không có khí nào đi theo. Như vậy, lúc này khí thở vào sẽ khô khan bằng áp suất khí trời, không tốt, sẽ gây các gốc oxy hóa, sẽ gây tổn hại cho cơ thể. Nếu trẻ sơ sinh mà hít thở oxy với phân áp oxy máu động mạch hơn 75 mmHg sẽ gây mù mắt.
Không phải biện pháp để chống đỡ ô nhiễm không khí
Trước tình trạng không khí ô nhiễm hiện nay, bà Tuyết Lan cho rằng không nên xử lý bằng cách thở oxy vì đây không phải biện pháp để chống đỡ ô nhiễm không khí. Để chống đỡ với bụi mịn nên đeo khẩu trang khi ra đường. Sau khi từ ngoài đường tới cơ quan, từ ngoài đường về nhà nên rửa mũi cho sạch sẽ.
Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, cần làm cho tim và hệ hô hấp mạnh hơn bằng cách tập luyện hơn 30 phút/ngày và cần biết giới hạn tập luyện của mình ở đâu. Ngoài ra, cần phơi nắng, ăn uống đầy đủ, trong đó lưu ý uống sữa, ăn các loại trái cây như cam, chanh, quýt, bưởi. Khi cơ thể có đầy đủ hồng cầu sẽ tự khắc cung cấp đầy đủ oxy cho cơ thể một cách bình thường nhất.
Theo tuoitre