Mụn trứng cá thường liên quan tới lứa tuổi thiếu niên và người trưởng thành, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ. Sự xuất hiện của mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi đôi khi là biểu hiện của sự nam hóa và có thể báo hiệu sự phát triển trứng cá nặng ở tuổi vị thành niên. Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi cần phải được phân biệt với các tình trạng bệnh lý khác.
Nguyên nhân gây mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi
Mụn trứng cá bình thường sẽ biến mất trong vài tuần sau khi xuất hiện, hoặc lâu hơn có thể là vài tháng sẽ biến mất dần mà không để lại dấu vết gì trên da trẻ. Nguyên nhân gây mụn trứng cá là:
- Do tăng kích thước tuyến bã, tăng tiết bã nhờn.
- Liên quan đến sản xuất dehyroepiandrosteron của tuyến thượng thận, đến 1 tuổi nồng độ chất này giảm xuống theo sự phát triển của tuyến thượng thận.
- Andorgen từ tinh hoàn -> tỉ lệ trẻ nam hay gặp hơn.
- Androgen từ mẹ.
Những đốm mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh có thể bị bao bọc bởi một vùng da hơi tấy đỏ. Vùng da mọc mụn này càng tấy đỏ thì càng gây khó chịu cho trẻ, da trẻ bị kích ứng, đặc biệt là khi tiếp xúc với nước bọt, sữa mẹ, hoặc các chất tẩy rửa...Tổn thương là các nhân đóng ở trán, mũi, má. Ít gặp: nhân mở, sẩn viêm, mụn mủ.
Phân biệt mụn trứng cá trẻ sơ sinh với các bệnh mụn khác
Có nhiều trường hợp trên da xuất hiện mụn giống như trứng cá nhưng không phải. Đó là các bệnh hay gặp dưới đây:
Rôm sảy: Rôm sảy xuất hiện khi một số các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn, nguyên nhân gây ra tình trạng này không rõ ràng nhưng một vài yếu tố đóng vai trò quan trọng trong bệnh này. Ở trẻ sơ sinh, đặc biệt trong tuần đầu đời, ống dẫn mồ hôi phát triển chưa hoàn chỉnh hay gặp tình trạng rôm sảy.
Vị trí thường gặp rôm sảy chủ yến gặp ở các vị trí có nhiều tuyến mồ hôi như ở trán, cổ, vai, ngực và lưng. Khi trẻ bị rôm sảy, xuất hiện các mụn nước nhỏ mọc thành đám, trên nền da mẩn đỏ. Trẻ ngứa, quấy khóc, bứt rứt và khó chịu. Trẻ gãi có thể gây trầy xước da, nhiễm khuẩn thành các mụn mủ hay nhọt trên da.
Rôm sảy dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh như sốt phát ban, ban dị ứng, trứng cá…
Chàm sữa hay còn có tên gọi khác là lác sữa, bệnh thường gặp ở trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi. Bệnh mặc dù không lây và không quá nguy hiểm đến trẻ tuy nhiên bệnh dễ tái phát nhiều lần và có nguy cơ tiến triển thành chàm thể tạng gây khó khăn trong quá trình điều trị và có nguy cơ để lại sẹo ảnh hưởng đến thẩm mỹ sau này.
Chàm sữa thường xuất hiện ở hai bên má trẻ và lan dần ra chân tay và toàn cơ thể, ban đầu chàm sữa là những nốt hồng nhỏ nhưng sau đó sẽ dần dần chuyển thành mụn nước màu đỏ, khi vỡ ra sẽ tiết dịch, có vảy và bong tróc. Hai má hoặc tay chân trẻ xuất hiện những nốt mẩn đỏ và chuyển dần sang mụn nước màu đỏ. Các mụn nước đó vỡ ra, đóng mày và tróc vảy. Trẻ thường biểu hiện khó chịu, ngủ không ngon giấc, quấy khóc và ăn ít đi.
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh bị mụn trứng cá hay các loại mụn nốt nói trên là rất quan trọng. Ảnh minh họa
Chăm sóc trẻ sơ sinh khi bị mụn trứng cá
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh bị mụn trứng cá hay các loại mụn nốt nói trên là rất quan trọng. Các bậc cha mẹ cần biết cách chăm sóc và điều trị để trẻ sớm khỏi mụn và hạn chế tối đa mụn lan sang các vùng cơ thể khác.
- Không áp dụng các loại thuốc trị mụn, các cách trị mụn mà người lớn đang dùng, lại không có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.
- Không lau chùi quá mạnh, cọ xát hoặc tác động lực lên mụn.
- Không lấy nước bọt bôi lên vùng da bị mụn, hay pha nước muối loãng rửa cho bé. Điều này sẽ làm vùng da có mụn ngày càng tấy đỏ, da bé bị kích ứng, kích thích và nặng hơn khi tiếp xúc với nước mọt, nước muối, sữa mẹ...
- Nên rửa mặt cho trẻ bằng nước sạch, xà bông nhẹ chuyên dùng cho trẻ sơ sinh, rửa sạch, lau khô nhẹ nhàng.
Theo suckhoedoisong.vn