leftcenterrightdel
 Ông Lawrence Faucette và vợ trong bệnh viện ở Baltimore, Maryland, trước khi được ghép tim lợn

Theo các bác sĩ tại Đại học Y Maryland, bệnh nhân này là ông Lawrence Faucette - cựu chiến binh Hải quân 58 tuổi. Trước khi thực hiện ca phẫu thuật, ông Lawrence Faucette được dự đoán sẽ tử vong vì suy tim nhưng do bị các vấn đề sức khỏe khác khiến ông không đủ điều kiện để được ghép tim truyền thống.

“Không ai biết chuyện gì xảy ra từ thời điểm này trở đi. Nhưng ít nhất bây giờ, tôi có hy vọng và có cơ hội. Tôi sẽ chiến đấu đến cùng” - ông Lawrence Faucette nói trong đoạn video được bệnh viện ghi lại trước ca phẫu thuật hôm 20/9. 

2 ngày sau ca phẫu thuật, các bác sĩ Đại học Y Maryland cho biết, ông Lawrence Faucette đã có thể ngồi dựa vào ghế và nói một câu đùa với mọi người. Ngoài ra, "trái tim mới" của ông đã hoạt động tốt mà không cần bất kỳ hỗ trợ máy móc nào.

Mặc dù vài tuần tới sẽ rất quan trọng để xem trái tim lợn hoạt động trong cơ thể ông Lawrence như thế nào nhưng các bác sĩ đã rất vui mừng trước phản ứng sớm của ông đối với nội tạng lợn.

Năm ngoái, nhóm các bác sĩ Maryland cũng đã thực hiện ca cấy ghép tim lợn biến đổi gen đầu tiên trên thế giới cho một người đàn ông sắp chết khác, ông David Bennett, người đã sống sót được 2 tháng.

Với ca phẫu thuật của ông Faucette, ông và gia đình đều chấp nhận những rủi ro của quy trình này. Trong một tuyên bố, vợ ông là bà Ann Faucette, cho biết: “Chúng tôi không có kỳ vọng nào khác ngoài hy vọng có thêm thời gian bên nhau”.

Tiến sĩ Muhammad Mohiuddin, chuyên gia cấy ghép của Đại học Y Maryland cho biết: “Thật là một cảm giác tuyệt vời khi thấy quả tim lợn này hoạt động ở người".

Tuy nhiên, ông Muhammad cảnh báo: “Chúng tôi không muốn dự đoán bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ coi mỗi ngày là một chiến thắng và tiến về phía trước”.

Các bác sĩ phẫu thuật thực hiện ca ghép tim lợn cho Lawrence Faucette ở Baltimore, Maryland,
Các bác sĩ phẫu thuật thực hiện ca ghép tim lợn cho Lawrence Faucette ở Baltimore, Maryland

 

Hiện trên thế giới đang phải đối mặt với sự thiếu hụt rất lớn các bộ phận cơ thể người được hiến tặng để cấy ghép cho những bệnh nhân đang chờ. Năm 2022, tại Mỹ có hơn 4.100 ca ghép tim. Mặc dù đây là con số kỷ lục, nhưng vì nguồn cung quá khan hiếm nên chỉ có những bệnh nhân có cơ hội sống sót lâu dài cao nhất mới được ưu tiên thực hiện.

Bên cạnh đó, những nỗ lực cấy ghép nội tạng từ động vật sang người đã thất bại trong nhiều thập kỷ. Vì thế, các nhà khoa học Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã và đang cố gắng thử lại việc sử dụng nội tạng lợn biến đổi gen để làm cho các cơ quan của lợn giống con người hơn. Gần đây, các nhà khoa học tại các bệnh viện khác đã thử nghiệm thận và tim lợn trên cơ thể người hiến tặng.

Để thực hiện nỗ lực mới này trên một bệnh nhân còn sống, ngoài một cuộc thử nghiệm nghiêm ngặt, các nhà nghiên cứu ở Maryland còn phải được sự cho phép đặc biệt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm.

Theo phụ nữ TPHCM