"Anh là anh trai của anh Kwon Dae-hee?", nhân viên bệnh viện hỏi. "Anh có thể đến bệnh viện bây giờ không?"

Bệnh viện cho biết tình trạng của Kwon Dae-hee "không nghiêm trọng lắm". Kwon Tae-hoon cho rằng em mình bị thương vì ẩu đả do say xỉn. Khi bắt taxi đến bệnh viện Seoul, anh đã chuẩn bị trách mắng em trai. Tuy nhiên, anh không có cơ hội đó. Khi Kwon đến, em trai 24 tuổi đã bất tỉnh. Sau khi làm phẫu thuật gọt cằm, cậu bị chảy máu nhiều đến mức băng xung quanh khuôn mặt nhuốm màu đỏ. Cuối cùng, Kwon chết trong viện 7 tuần sau đó.

Gia đình của Kwon nói rằng anh là nạn nhân của "bác sĩ ma" - việc hoán đổi bác sĩ khác thực hiện phẫu thuật thay cho bác sĩ chính sau khi bệnh nhân đã được gây mê.

Sinh viên Kwon Dae-hee thường chỉnh ảnh để có cằm thon gọn. Ảnh: CNN.

 

Hành động "treo đầu dê, bán thịt chó" này hoàn toàn bất hợp pháp ở Hàn Quốc, nhưng các nhà hoạt động nói rằng các quy định yếu kém trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ trị giá 10,7 tỷ USD của đất nước đã khiến các thẩm mỹ viện mọc lên như nấm, nơi các nhân viên không đủ trình độ làm phẫu thuật thay cho các bác sĩ. Các bác sĩ đôi khi tiến hành đồng thời nhiều ca phẫu thuật, nghĩa là họ lệ thuộc vào các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, nha sĩ, y tá mới vào nghề hoặc thậm chí cả nhân viên bán thiết bị y tế làm hộ một số công việc.

Theo luật Hàn Quốc, người chỉ đạo hoặc thực hiện can thiệp y khoa không giấy phép phải chịu hình phạt tối đa 5 năm tù giam hoặc phạt tiền tối đa 50 triệu won (44.000 USD). Nếu bác sĩ có giấy phép thực hiện "phẫu thuật ma", người này vẫn phải đối mặt tội danh gây hại cho người khác hoặc gian lận. Nhưng hành vi phạm tội kiểu này rất khó chứng minh vì nhiều bác sĩ không ghi lại công việc họ đã làm và nhiều phòng khám không có camera giám sát. Ngay cả khi bị đưa ra tòa, các "bác sĩ ma" hiếm khi bị phạt nặng, khiến các thẩm mỹ viện vẫn tục hành vi.

Nhưng trường hợp của Kwon đã khiến vấn đề này được chú ý hơn. Gia đình anh không chỉ muốn đưa các bác sĩ liên quan ra công lý, họ còn muốn thúc đẩy thay đổi pháp lý.

Kwon là một sinh viên đại học hiền lành và khiêm tốn, có kết quả học tập tốt nhưng không tự tin về ngoại hình. Anh tin rằng phẫu thuật thẩm mỹ có thể giúp mình thành công hơn. Trong những bức ảnh được chụp không lâu trước khi qua đời, Kwon chỉnh ảnh để có cằm V-line.

Anh trai và mẹ của Kwon, Lee Na Geum, đã cố gắng khuyên anh không phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng Kwon đã bí mật đăng ký ở một thẩm mỹ viện nổi tiếng, chuyên về phẫu thuật hàm ở khu Gangnam, Seoul. Ngày 8/9/2016, bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật gọt hàm - hình thức phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến ở Đông Á, thường kéo dài 1-2 giờ, với chi phí 6,5 triệu won (hơn 5.700 USD). Nhưng cuộc phẫu thuật không diễn ra theo đúng kế hoạch.

Sau khi bị chảy máu quá nhiều, Kwon được đưa đến bệnh viện. 9h sáng hôm sau, bác sĩ thẩm mỹ đã phẫu thuật cho Kwon đến viện, nói với gia đình Kwon rằng cuộc phẫu thuật diễn ra bình thường và thậm chí còn cung cấp cảnh quay từ camera giám sát để chứng mình điều đó. "Tôi ngay lập tức cảm thấy rằng tôi cần bằng chứng đó", bà Lee nói.

Lee đã xem video từ camera giám sát của phòng phẫu thuật 500 lần. Video cho thấy cuộc phẫu thuật bắt đầu lúc 12h56, khi bác sĩ thẩm mỹ bắt đầu gọt xương hàm của Kwon. Ba y tá cũng có mặt trong phòng. Một tiếng sau, bác sĩ này rời đi và một bác sĩ khác vào phòng mổ nhưng sau đó cũng rời đi. Trong gần 30 phút, không bác sĩ nào có mặt trong phòng, chỉ có các y tá.

Lee thấy rằng mặc dù bác sĩ đầu tiên, người mà Kwon tin tưởng, đã gọt xương hàm cho anh, người này không hoàn thành cuộc phẫu thuật mà phần lớn công đoạn do một bác sĩ đa khoa mới tốt nghiệp không có giấy phép phẫu thuật thẩm mỹ thực hiện. Trong khi đó, quảng cáo của thẩm mỹ viện nói rõ rằng bác sĩ trưởng của phòng khám sẽ thực hiện từ đầu đến cuối.

"Em tôi đã tin tưởng vào bác sĩ chính, vì vậy nó quyết định phẫu thuật ở đó", Kwon Tae-hoon nói.

Ca phẫu thuật kéo dài hơn ba giờ và kết thúc lúc 16h17 chiều. Theo Kim Seon-woong, cựu giám đốc luật Hiệp hội bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc, người đã điều hành một thẩm mỹ viện trong 25 năm, phẫu thuật hàm thường chỉ mất 1,5 giờ trở xuống.

Sau khi phẫu thuật, cả hai bác sĩ đều về nhà, chỉ các y tá túc trực khi Kwon bị mất máu. Lee cho biết bà đã bị sốc trước cảnh tượng các y tá vẫn ung dung dặm lại lớp trang điểm hoặc dùng điện thoại di động khi con bà mất máu. Tổng cộng, họ lau sàn nhà dính máu 13 lần. Khi các chuyên gia y tế đánh giá video, họ nhận thấy Kwon có khả năng đã mất lượng máu nhiều gấp ba lần những gì các bác sĩ đã nói.

Theo Ione