Nhiều người cao tuổi có thể bỏ lỡ mũi tiêm vắc-xin COVID-19 dù họ là đối tượng ưu tiên trong tiêm chủng
Thiếu thông tin và sự tin cậy
Quyết định của Pháp dành đặc quyền tiêm phòng cho người dân ở các ehpad (dịch vụ nhà ở cho người cao tuổi) là hoàn toàn hợp lý, bởi theo cơ quan quản lý y tế Pháp, 9/10 người không thể vượt qua COVID-19 nằm ở nhóm đối tượng trên 65 tuổi, với hơn 30% trong số 66.000 trường hợp tử vong xảy ra ở các cơ sở ehpad.
Thế nhưng, các cuộc khảo sát cho thấy, ở một đất nước vốn hoài nghi về vắc-xin, người già cũng không phải là ngoại lệ. Laurent Levasseur - Chủ tịch của Bluelinéa, tổ chức làm việc với khoảng 1.000 viện dưỡng lão trên khắp nước Pháp - tiết lộ: “60% người trong viện dưỡng lão không chấp nhận việc tiêm chủng, trong đó 20% từ chối và 40% chưa quyết định”.
Sự hoài nghi về tính an toàn của vắc-xin là một lý do phổ biến. Ông Levasseur giải thích: “Mọi người đều sợ tác dụng phụ, nên họ cần phải có ý kiến y tế đầy đủ từ bác sĩ gia đình. Nhưng không dễ để đạt được điều đó”. Trong khi những người trẻ tuổi đã quen với việc tìm kiếm lời khuyên và đặt lịch khám trực tuyến, thế hệ cũ vẫn dựa vào những bác sĩ đa khoa quen thuộc, đáng tin cậy mà họ tiếp xúc nhiều năm.
Tương tự, một cuộc khảo sát trực tuyến ở Nhật Bản vào đầu tháng 2/2021 ở gần 500 người cao tuổi cần chăm sóc tại nhà cho thấy, 43% không chắc chắn về việc tiêm phòng, 15% hoàn toàn phản đối. Thông qua câu trả lời từ những người chăm sóc, 77% đối tượng được hỏi cảm thấy lo lắng về sự an toàn hoặc tác dụng phụ của vắc-xin, 39% nói rằng họ không biết liệu việc tiêm chủng có hiệu quả hay không.
Một quan chức của Internet Infinity - doanh nghiệp chuyên quản lý các trang web liên quan đến chăm sóc điều dưỡng - cho biết: “Nhiều người cao tuổi cần được chăm sóc đã có sẵn các tình trạng bệnh từ trước và đối mặt với nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng sau khi mắc bệnh. Chúng ta cần phải nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho nhóm đối tượng này bằng cách thông tin và khuyến khích tiêm phòng”.
Nhật Bản bắt đầu tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 vào giữa tháng 2/2021, với một nhóm nhân viên y tế. Việc tiêm chủng cho 36 triệu người từ 65 tuổi trở lên dự kiến bắt đầu vào ngày 12/4 nhưng hiện tại, họ phải có nhiều kế hoạch để thuyết phục người cao tuổi tiêm chủng.
Bài toán không đơn giản
Các cư dân và nhân viên của viện dưỡng lão là một trong những người đầu tiên ở Mỹ được chủng ngừa COVID-19. Nhưng có những thách thức đáng kể cần vượt qua trước khi vắc-xin được sử dụng rộng rãi cho nhóm dân số có nguy cơ cao này.
Đầu tiên, mỗi bang phải xem xét những trường hợp mà các nhân viên chăm sóc dài hạn bắt buộc phải tiêm chủng. Các quan chức y tế cũng đang đối mặt với sự lưỡng lự của một số nhân viên, cũng như người dân, về việc chủng ngừa loại vắc-xin mới với những lo ngại là chưa được thử nghiệm đầy đủ ở người già yếu về mặt y tế.
Phương tiện đi lại, khoảng cách địa lý, thiếu thông tin... là lý do người cao tuổi bỏ lỡ mũi tiêm vắc-xin COVID-19
Một thách thức nữa là, dù trong hầu hết các trường hợp, những người cao niên có các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè hỗ trợ đi đến nơi tiêm vắc-xin, nhiều người không có sự hỗ trợ xã hội đang bỏ lỡ mũi tiêm. Chẳng hạn như những người không có phương tiện đi lại, sống một mình. Bên cạnh những người lớn tuổi cảm thấy thoải mái với máy vi tính và có dịch vụ internet sẽ nhận được thông báo về vắc-xin và có thể đăng ký trực tuyến để đặt lịch hẹn, còn những người không đủ tiền mua dịch vụ băng thông rộng hoặc không sử dụng máy tính, ứng dụng điện thoại thông minh có khả năng bỏ lỡ thông tin về vắc-xin và lịch hẹn.
Bên cạnh đó, những rào cản dường như ảnh hưởng nhiều hơn đến người da màu và người lớn tuổi gốc Latin, cũng như những ai không phải là người nói tiếng Anh bản ngữ; người lớn tuổi sống trong các khu dân cư có thu nhập thấp; những người già yếu, bệnh nặng hoặc ở vùng sâu vùng xa; những người bị khiếm thị, khiếm thính.
Mức độ ảnh hưởng của các khó khăn trên vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ, nhưng các chuyên gia đang thảo luận về chúng trên các diễn đàn khác nhau, người lớn tuổi và các thành viên trong gia đình họ cũng vậy.
Tiến sĩ XinQi Dong - Giám đốc Viện Y tế, Chính sách y tế và Nghiên cứu lão hóa tại Đại học Rutgers (bang New Jersey) - nhận xét: “Tôi sợ rằng, các rào cản đối với việc tiêm vắc-xin đang có tác động bất bình đẳng đến bộ phận dân số cao niên. Tôi ước tính 10-20% có nguy cơ thiếu vắc-xin vì họ ở nhà, sống một mình, không có phương tiện đi lại hoặc thiếu các kết nối xã hội đáng tin cậy. Thật không may, đó là những yếu tố khiến họ có nguy cơ gục ngã trước COVID-19”.
Theo phunuonline