Nạn nhân suốt đời của biến đổi khí hậu: con cháu chúng ta
Cập nhật lúc 21:10, Thứ sáu, 15/11/2019 (GMT+7)
Nghiên cứu mới từ 35 tổ chức toàn cầu vừa được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy trẻ em là nạn nhân suốt đời của biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Trẻ em đeo khẩu trang vì ô nhiễm không khí kỷ lục ở Delhi, Ấn Độ - Ảnh: Hindustan Times
Theo đó, nếu lượng phát thải nhà kính tiếp tục với tốc độ như hiện nay thì trẻ sơ sinh sẽ phải đối mặt với một thế giới ấm hơn 4 độ C vào năm 71 tuổi, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, sốt xuất huyết và bệnh liên quan đến tim, phổi.
Trẻ em ngày nay sẽ phải hít thở bầu không khí ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch, gây giảm chức năng phổi, làm trầm trọng bệnh hen suyễn và gia tăng nguy cơ bệnh tim, đột quỵ.
Bên cạnh nguy cơ trực tiếp đến sức khỏe, biến đổi khí hậu còn gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, khắc nghiệt như lũ lụt nghiêm trọng, hạn hán kéo dài hay cháy rừng.
The Lancet khép lại báo cáo bằng lời kêu gọi khẩn thiết hành động để bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tiếp theo bằng cách loại bỏ nhiệt điện than, sử dụng năng lượng tái tạo; hạn chế nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C;
Phát triển giao thông công cộng, khuyến khích và tạo điều kiện đi xe đạp; đầu tư cho hệ thống y tế; các nước phát triển thực hiện các cam kết tài chính khí hậu quốc tế để giúp đỡ các nước thu nhập thấp.
Theo tuoitre