leftcenterrightdel
 Cơ quan y tế EU cảnh báo biến đổi khí hậu tạo ra điều kiện ấm hơn, giúp muỗi xâm lấn, lây lan nhanh chóng - Ảnh: AFP

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) có trụ sở tại Stockholm cho biết trong năm 2023, 130 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết đã được ghi nhận trong khu vực, bao gồm Liên minh châu Âu cùng với Iceland, Liechtenstein và Na Uy (EEA).

Con số này gần gấp đôi so với 71 trường hợp được ghi nhận vào năm 2022. Đồng thời, đây cũng là mức tăng đáng kể so với giai đoạn 2010-2021, khi chỉ có 73 ca sốt xuất huyết trong cả 1 thập niên.

Ngoài ra các trường hợp nhập khẩu (người du lịch, nhập cảnh) cũng gia tăng, với lần lượt 1.572 và 4.900 ca mắc sốt xuất huyết vào năm 2022 và 2023. Đây là con số cao nhất kể từ khi EU bắt đầu thống kê vào năm 2008.

Giám đốc ECDC Andrea Ammon cho biết: “Biến đổi khí hậu đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho muỗi xâm lấn, lây lan sang các khu vực trước đây không bị ảnh hưởng và lây nhiễm cho nhiều người mắc các bệnh như sốt xuất huyết”.

Đối với vi rút West Nile (thường gây ra các bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da, viêm não, viêm màng não), cũng báo cáo 713 trường hợp mắc phải tại địa phương, và 67 trường hợp tử vong được báo cáo ở 123 khu vực khác nhau ở 9 quốc gia EU, vào năm 2023.

ECDC cho biết, muỗi Aedes albopictus (loài được biết đến là nguyên nhân truyền bệnh sốt xuất huyết, chikungunya) và vi rút zika (dễ khiến trẻ bị dị tật), đang lây lan xa hơn về phía bắc, phía đông và phía tây châu Âu.

Loài Aedes aegypti, nguyên nhân lây lan bệnh sốt vàng da, sốt xuất huyết, chikungunya và sốt rét, gần đây đã xuất hiện ở Síp và một số khu vực xa nhất của EU như Madeira và các đảo Caribe thuộc Pháp.

ECDC cho biết việc thiết lập các biện pháp phối hợp, như lưới diệt côn trùng và phun thuốc diệt côn trùng trong nhà, là rất quan trọng để chống lại các bệnh do muỗi truyền. Đồng thời, người dân cũng nên kết hợp các biện pháp đơn giản như loại bỏ nước đọng khỏi ban công và vườn, nỗ lực bảo vệ cá nhân để giảm thiểu rủi ro bị muỗi đốt.

Theo phụ nữ TPHCM