1. Đột quỵ có thể xảy ra ở mắt, cột sống
TS. Matthew Schrag, Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee cho biết, đột quỵ cũng có thể xảy ra ở các bộ phận khác của cơ thể. Đột ngột mất hoàn toàn thị lực ở một mắt có thể báo hiệu một cơn đột quỵ ở mắt. Đau lưng, nhức mỏi chân và tiểu tiện không tự chủ, cùng với tình trạng tê liệt, suy nhược và mất cảm giác đau hoặc khả năng cảm nhận nhiệt độ… báo hiệu một cơn đột quỵ ở cột sống. Mặc dù hiếm gặp, nhưng những cơn đột quỵ này, giống như những cơn đột quỵ trong não, đều nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Não không phải là nơi duy nhất xảy ra đột quỵ.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ định nghĩa, đột quỵ là tình trạng tắc nghẽn nguồn cung cấp máu cho não, tủy sống hoặc võng mạc gây chết tế bào. Khi đột quỵ xảy ra trong não, các triệu chứng có thể bao gồm tê mặt, yếu tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể, khó nói hoặc hiểu lời nói, các vấn đề về thị lực, thiếu phối hợp hoặc đau đầu đột ngột, dữ dội.
TS. Lucia Sobrin, giáo sư nhãn khoa tại Trường Y Harvard ở Boston cho biết, nguồn cung cấp máu có thể bị tắc nghẽn ở hầu hết mọi nơi trong cơ thể. Đột quỵ ở mắt - được gọi là tắc động mạch võng mạc trung tâm (hay CRAO), thường xảy ra khi mảng bám tích tụ trong động mạch cảnh, động mạch chính ở mỗi bên cổ, đưa máu đến não và mắt, bị vỡ ra và đi đến võng mạc. Mảng bám đó cũng có thể di chuyển đến não và gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc có thể đi theo cả hai hướng, TS Sobrin nói.
Mất thị lực hoàn toàn ở một mắt thường xảy ra, nhưng trong một số trường hợp, một người chỉ có thể mất thị lực một phần, nên vẫn có thể cảm nhận được ánh sáng hoặc chuyển động.
Theo TS. Schrag, tắc động mạch võng mạc trung tâm không gây tử vong, nhưng mất thị lực có thể là vĩnh viễn nếu không được điều trị trong vài giờ đầu tiên. Nếu bạn đột nhiên mất thị lực và không đau, hãy nghĩ đến 'đột quỵ' và đến ngay phòng cấp cứu, vì đây là tình trạng khẩn cấp.
Đột quỵ có thể xảy ra ở mắt.
Sobrin và Schrag là đồng tác giả của một tuyên bố khoa học năm 2021 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), ủng hộ việc sàng lọc và điều trị tắc động mạch võng mạc trung tâm ngay lập tức bằng cách sử dụng alteplase, loại thuốc dùng để làm tan cục máu đông gây đột quỵ trong não. Các nghiên cứu cho thấy, những người bị tắc động mạch võng mạc trung tâm được điều trị bằng alteplase trong vòng 4 tiếng rưỡi, sau khi mất thị lực có thể có tỷ lệ hồi phục lên tới 50%.
TS. Schrag cho biết, tắc động mạch võng mạc trung tâm cũng có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng tiềm ẩn. Tuyên bố của AHA kêu gọi sàng lọc ngay các yếu tố nguy cơ tim mạch khác cần điều trị, chẳng hạn như huyết áp cao, cholesterol cao, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ và béo phì.
Tắc động mạch võng mạc trung tâm là một yếu tố dự báo mạnh mẽ về các cơn đau tim, đột quỵ hoặc tử vong trong tương lai. Vì vậy, mặc dù cơn đột quỵ này có thể không gây tử vong, nhưng các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cũng cần được chú ý khẩn cấp, TS. Schrag nói.
TS. Schrag cho biết, hiện rất ít người biết về cách điều trị đột quỵ xảy ra ở cột sống, một tình trạng hiếm gặp nhưng nguy hiểm. Những điều này có thể xảy ra do cục máu đông trong động mạch dẫn đến cột sống. Điều trị tùy thuộc vào triệu chứng của từng cá nhân và có thể bao gồm thuốc làm loãng máu để giảm đông máu.
Đột quỵ cột sống cũng có thể xảy ra trong các thủ tục y tế nếu huyết áp giảm đột ngột hoặc tim ngừng đập và không có đủ lưu lượng máu.
2. Cách phòng ngừa đột quỵ
Các bước thực hiện để ngăn ngừa đột quỵ trong não giống như những bước được khuyến nghị để ngăn ngừa đột quỵ ở mắt hoặc cột sống. Chúng bao gồm:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
- Duy trì hoạt động thể chất
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Không hút thuốc
- Giữ huyết áp và đường huyết khỏe mạnh, cholesterol trong phạm vi mục tiêu
- Giảm căng thẳng
- Ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm
- Và uống thuốc cần thiết theo quy định...
Theo suckhoedoisong.vn