Chuỗi chuyên đề Hỗ trợ can thiệp sớm và hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ do Hi Future Project (dự án con của dự án Tìm lại ước mơ) và TPLex (Trung tâm Đào tạo và Phát triển tài năng, quận 7, TPHCM) phối hợp tổ chức vào tháng 3/2024. Khi phụ huynh vô tình dùng cụm từ “bị bệnh tự kỷ”, một chị tham dự đã khéo léo xin cắt bỏ chữ “bị” và chữ “bệnh” kèm theo nụ cười thật tươi. Chị là Tô Thụy Diễm Quyên.

Với phong cách gần gũi pha chút dí dỏm, chị hỏi diễn giả và người tham dự: “Trông tôi có bình thường không?”.

Chị chia sẻ mình là người phổ tự kỷ. Nếu phải giao tiếp bằng mắt với người đối diện, đa phần người tự kỷ có cảm giác người kia sắp sửa ăn tươi nuốt sống mình; cảm giác rất đáng sợ, nên chị và nhiều người tự kỷ thường né tránh.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tuy nhiên, bề ngoài của chị không có nét gì để nhận thấy là người tự kỷ nên người ta thường nghĩ chị kém trung thực khi không tương tác mắt. Ngoài ra, chị bị chứng khó đọc cả số lẫn chữ; các con chữ, con số cứ xáo trộn, chạy lòng vòng. Để vượt qua khó khăn, trở ngại, chị phải học một cách bất thường. Chị học bằng hình ảnh và âm thanh. Đặc biệt, âm nhạc là liệu pháp chữa lành tuyệt diệu với chị.

Theo chị Diễm Quyên, bất kỳ sự cố gì đó xảy ra, người tự kỷ rất sợ… con người. Họ không thể hiểu được tại sao con người có thể xấu, tại sao lại phải nói dối… Bản thân chị cũng chỉ nhìn thẳng, không thể đi vòng đằng sau mà đoán được ý đồ thực sự của người khác. Mỗi khi bị tổn thương, cách để chị bảo vệ mình là sẽ xóa sổ mối quan hệ đó, không nói năng, không tương tác. Và không phải ai cũng hiểu vì sao người tự kỷ rời bỏ một mối quan hệ.

Chị Diễm Quyên từng tiếp cận một tài liệu ở nước ngoài, có nội dung “Tự kỷ có phải là một món quà?” và chị tâm đắc hình ảnh món quà. Người tự kỷ có một cuộc đời rất bình an nếu như họ không cần giao tiếp với người khác và nhiều người tự kỷ cũng phát huy được tài năng, sở trường của họ, trái ngược cái nhìn bi quan, ảm đạm của phụ huynh, xã hội dành cho người tự kỷ.

Chị Diễm Quyên là một chuyên gia giáo dục. Chị đào tạo, tập huấn cho rất nhiều phó giáo sư, tiến sĩ về phương pháp giảng dạy, về tâm lý học, đặc biệt là về công nghệ. Chị là 1 trong 20 người đầu tiên của thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu. Năm 2023, chị được Forbes Việt Nam bầu chọn là 1 trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng.

leftcenterrightdel
 

Sự hiện diện của chị duyên dáng, tươi tắn, năng động dù bận rộn công tác ở nhiều châu lục, nhiều múi giờ khác nhau, đã cho phụ huynh thêm động lực trên đường mình đi. Người tự kỷ vẫn có thể ổn định cuộc sống, xây dựng sự nghiệp và góp ích cho cộng đồng.

Chị Diễm Quyên tâm sự: “Nếu có một cơ hội, một cơ duyên để người tự kỷ học tập thì họ sẽ có những điểm sáng mà người bình thường không có, vì đó là người tự kỷ. Họ có một cuộc đời riêng, một thế giới riêng và điều ấy không phải là bất thường, chỉ khác thường thôi. Phụ huynh vẫn có thể vui vẻ, hạnh phúc vì con của mình sẽ có những điều mà đứa trẻ khác không có”.

Theo phụ nữ TPHCM