Cô gái bị hôn phu tạt axit sau ca mổ tái tạo gương mặt tại Viện Bỏng Quốc gia. Ảnh: Lê Nga.
Phó giáo sư Lê Hành, Chủ tịch hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS) đánh giá hiện ngành phẫu thuật thẩm mỹ trong nước đã phát triển ngang tầm khu vực, làm chủ nhiều kỹ thuật, thiết bị hiện đại và thành công trong nhiều ca khó. Mới đây nhất là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng kỹ thuật vi phẫu tái tạo ngay lập tức cho bệnh nhân bỏng axit, cũng là ca đầu tiên trên thế giới điều trị theo phương pháp này.
Cô gái 23 tuổi ở Đà Nẵng bị hôn phu tạt axit hủy hoại gương mặt đã được các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ ở Viện Bỏng Quốc gia dùng kỹ thuật vi phẫu, lấy vạt da 2 cuống vùng lưng để tái tạo hoàn toàn gương mặt. Phương pháp này còn giúp rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân, giảm các cuộc mổ, ít biến dạng sau mổ.
Tại Hội nghị khoa học Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ toàn quốc 2019, ngày 15/6, Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho rằng ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam khởi đầu chậm hơn so với các quốc gia trong khu vực, nhưng đang có bước phát triển vượt bậc.
Thống kê của Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế, 5 quốc gia hiện đứng đầu về số ca phẫu thuật thẩm mỹ là Mỹ, Brazil, Nhật, Italy và Mexico. Năm 2018, người Mỹ đã chi hơn 15 tỷ USD cho các dịch vụ làm đẹp, tăng 11% so với năm 2017.
Những năm gần đây, châu Á nổi lên là khu vực phát triển ngành công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ nhất, dẫn đầu Trung Quốc và Ấn Độ. Ở Việt Nam từ năm 1990 đến nay ngành thẩm mỹ lớn dần, nhu cầu làm đẹp của người dân cũng ngày càng tăng. Hiện, Việt Nam có khoảng 400 phòng khám, 36 khoa tạo hình thẩm mỹ tại các bệnh viện và 25 bệnh viện thẩm mỹ. Không chỉ phụ nữ mà nam giới cũng có nhu cầu tu sửa sắc đẹp như phẫu thuật mí mắt, nâng cơ ngực, nâng mũi, hút mỡ và cả cấy tóc.
Ông Hành nói: "Việt Nam gần như đã làm chủ được những kỹ thuật khó như ghép da mặt, phẫu thuật sọ não, vi phẫu, điều trị bỏng... tương lai có thể là ghép mặt con người".
Chủ tịch Hiệp hội Thẩm mỹ Hàn Quốc (KCCS), ông Kang Kyong Jin cũng chia sẻ: "Hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ làm chủ kỹ thuật ghép mặt, một trong những kỹ thuật được coi là khó nhất trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ".
Không chỉ ứng dụng và phát triển các kỹ thuật làm đẹp tiên tiến trên thế giới như nâng ngực, hút mỡ, căng da... ngành phẫu thuật thẩm mỹ hiện phát huy tác dụng lớn trong điều trị bệnh, chữa dị tật bẩm sinh...
Theo Trung tướng Bàng, hiện bệnh viện 108 phẫu thuật thường quy điều trị các dị tật bẩm sinh như khe hở môi vòm, hở sọ mặt, tái tạo các tổn khuyết xương, phần mềm, thần kinh vùng hàm mặt, các kỹ thuật vi phẫu nối bộ phận đứt rời... Ngoài ra, các phẫu thuật như nâng mũi, chỉnh khớp cắn, hạ gò má, cắt dạ dày để điều trị béo phì... được triển khai ngay tại viện.
Bộ môn tạo hình thẩm mỹ đầu tiên được thành lập trong trường đại học là của trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM, giảng dạy về phẫu thuật thẩm mỹ như cắt mí, căng da mắt, sửa mũi... Sau đó, các bệnh viện chuyên khoa mở ra, các kỹ thuật được nâng cao, tăng cường liên kết với các bác sĩ nước ngoài để nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu làm đẹp của người Việt.
Theo vnexpress