Bệnh nhân Phạm V. T. Nam, sinh năm 1959 ở huyện Trực Ninh- Nam Định mắc ung thư sàng hàm tái phát u má trái vừa được các bác sĩ Khoa Phẫu Thuật Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện K Trung ương phẫu thuật.
Theo ThS.BS.CKII. Nguyễn Quốc Dũng -Khoa Phẫu Thuật Đầu Mặt Cổ- Bệnh viện K; Đây là một trường hợp ung thư sàng hàm tái phát u má phải, được tạo hình bằng vạt cơ ngực lớn. Ca mổ kéo dài hơn 4 giờ, sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Chia sẻ về bệnh nhân, BS Dũng cho biết, bệnh nhân T. mắc ung thư sàng hàm T4N1M0 đã được xử trí cắt u mũi xoang vét hạch cổ trái, sau mổ có điều trị xạ từ tháng 3/2020. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ của bệnh nhân là ung thư hắc tố.
Sau khi điều trị sức khỏe của người bệnh ổn định và thỉnh thoảng có tái khám ở bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Tuy nhiên, trước khi nhập viện 3 tháng người bệnh thấy xuất hiện khối u vùng má trái, to nhanh, đau. Bệnh nhân đến bệnh viện K cơ sở Tân Triều khám được chẩn đoán ung thư sàng hàm tái phát u má trái, được chỉ định điều trị theo phác đồ tại khoa, viện.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vùng mũi xoang và cách phát hiện
Chia sẻ về vấn đề ung thư vùng mũi xoang, theo BS Dũng: Đây là loại ung không thường gặp trong các loại ung thư, đặc biệt là ung thư vùng đầu cổ. Ung thư vùng mũi xoang gặp cả ở nam và nữ có tỷ lệ ngang nhau.
Hiện chưa biết chính xác về nguyên nhân, các yếu tố làm gia tăng nguy cơ ung thư mũi xoang là:
- Nếu tiếp xúc thường xuyên với hóa chất hoặc bụi đặc thù trong các nghề nghiệp như: thợ mộc, nhà máy cưa, thợ làm giày, thợ sơn - mạ tráng kim loại, … làm tăng nguy cơ mắc ung thư mũi xoang.
- Nếu đã bị nhiễm virus HPV - loại virus gây u nhú và lây qua đường tình dục cũng dễ có nguy cơ mắc ung thư mũi xoang.
- Với nam giới trên 40 tuổi có hút thuốc lá thì có nguy cơ ung thư mũi xoang cao hơn.
Triệu chứng chính của ung thư mũi xoang là người bệnh ngạt tắc mũi tăng dần và không đáp ứng với thuốc nhỏ mũi. Người bệnh xì mũi lẫn máu, đau nhức sọ mặt, đau đầu và có thể xuất hiện hạch cổ. Khi nội soi, CT, MRI mũi xoang, tai mũi họng các bác sĩ sẽ thấy khối u vùng mũi xoang, hốc mũi có tính chất ung thư như: Phá huỷ xương, đè đẩy cấu trúc xung quanh nhiều, u to, dễ chảy máu,..
Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định người bệnh cần đươc sinh thiết u làm giải phẫu bệnh. Thể giải phẫu bệnh hay gặp trong ung thư vùng mũi xoang là ung thư biểu mô tế bào vẩy, ung thư biểu mô chế nhày, ung thư thần kinh khứu giác, sarcom mạch, ung thư hắc tố, một số trường hợp là u lympho biểu hiện hốc mũi.
Về điều trị, theo BS. Dũng hiện phẫu thuật vẫn là phương pháp cơ bản điều trị ung thư mũi xoang. Sau phẫu thuật, xạ trị được chỉ định với một số trường hợp nhất định như: Khối u to không lấy hết được rộng rãi, diện cắt tiếp cận, u ở những vị trí không thể lấy được rộng rãi,...
Còn hoá chất được đặt ra với các trường hợp u lympho biểu hiện ở hốc mũi hoặc 1 số chỉ định nhất định. Với ung thư mũi xoang, thể giải phẫu bệnh là u hắc tố thì chỉ định điều trị bổ trợ sau mổ là điều trị miễn dịch.
Cũng như nhiều loại ung thư khác ung thư vùng mũi xoang vẫn là bệnh cần phát hiện sớm để điều trị hiệu quả. Với những tiến bộ vượt bậc trong y khoa lẫn các ngành khoa học có liên quan như hiện nay, việc phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ để kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống sau điều trị cho các bệnh nhân ung thư là điều hoàn toàn có thể làm được. Vì vậy, khi có biểu hiện bất thường cần tới cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị.
Với người bệnh ung thư, việc tái khám định kỳ là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, người bệnh hãy bình tĩnh trước bệnh tật, hợp tác và thực hiện lối sống lạc quan, lành mạnh... thì chắc chắn mọi thứ sẽ tốt hơn rất nhiều, BS. Dũng khuyến cáo.
Theo suckhoedoisong.vn