Trẻ nào cũng có thể bị đái tháo đường
3 tuần trước, mỗi lần rước con từ trường mẫu giáo về, anh Phan Văn Khoa - ba của bé P.H.T. (4 tuổi, ở TP Thủ Đức, TPHCM) - đều cảm thấy con trai có vấn đề. Nếu lúc trước bé hay kêu đói, thèm ăn, thì bây giờ không chịu ăn, uống nước nhiều và cứ bồn chồn, ra vào nhà vệ sinh liên tục. Nghĩ con đang gặp chuyện bất ổn trên trường, anh cho bé nghỉ ở nhà để chăm sóc.
|
|
Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh thăm khám cho bé T. |
Theo dõi con 1 tuần, anh Khoa nhận thấy: “Bé biếng ăn thấy rõ, chỉ uống nước nên đi tiểu liên tục, nhất là vào ban đêm. Chỉ tính riêng buổi tối, con tôi phải đi tiểu đến hơn 10 lần. Thấy vậy gia đình cho bé mặc tã, nhưng bé không chịu, điều này làm cho bé bị mất ngủ, căng thẳng, sụt cân. Gia đình nghĩ bé bị bệnh thận nên đưa con đi bệnh viện khám. Tuy nhiên, bác sĩ nói bé không có bệnh và yêu cầu đưa về nhà theo dõi”.
Tuần tiếp theo, tần suất tiểu đêm của bé ngày càng nhiều, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám. Kết quả các xét nghiệm cho thấy, bé T. bị đái tháo đường type 1, có thể do rối loạn về chuyển hóa bẩm sinh, hoặc bé bị di truyền… Lúc này, thể trạng của bé quá yếu, phải nhập viện điều trị. Ngoài bổ sung dinh dưỡng, bù nước, bé cũng được tiêm insulin nhằm ổn định lại đường huyết.
Hiện tại, bé T. đã ổn định nhưng vẫn phải nằm viện để theo dõi thêm một số nguy cơ tổn thương khác. Theo anh Khoa, gia đình 2 bên nội, ngoại của bé không ai mắc bệnh đái tháo đường, vì vậy anh cứ nghĩ con mình mắc bệnh thận.
Vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng cấp cứu cho bé N.G.B. (10 tuổi, ở quận 7) trong tình trạng mất nước nặng, lơ mơ, mất tri giác, co giật… Nhận thấy bé có các biểu hiện của sốc đái tháo đường nên bác sĩ thực hiện nhanh các xét nghiệm liên quan. Kết quả cho thấy bé B. bị đái tháo đường type 2, nhiễm toan ceton đái tháo đường nặng, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác, nguy cơ tử vong cao.
Các bác sĩ lập tức hồi sức cấp cứu, truyền bù dịch, truyền insulin khẩn cấp cho bé. May mắn, sau khi cấp cứu, bé dần ổn định, được chuyển đến Khoa Thận nội tiết tiếp tục điều trị. Tại đây, bé được tiêm insulin mỗi ngày nhằm kiểm soát đường huyết.
Theo người nhà, bé B. vốn thừa cân nên có thói quen ăn uống nhiều. Tuy nhiên, trước khi cấp cứu, bé sụt 5kg trong chỉ 3 tuần, mức độ tè dầm khi ngủ tăng dần nhưng gia đình không để ý. Mẹ bé kể: “Con hay than mệt, khó thở, tôi nghĩ do trời nắng nóng nên bé khó chịu. Khi cho bé vào phòng, bật máy lạnh thì bé hết mệt. Chỉ có lần này bé đổ mồ hôi nhiều, bủn rủn, người lạnh, nghĩ con bị tụt canxi, hạ đường huyết, tôi pha trà đường cho bé uống, uống xong thì bé trở nặng”. Hiện tại, ngoài điều trị cho bé, bác sĩ cũng tư vấn, hướng dẫn người nhà bé B. cách chăm sóc, điều chỉnh chế độ ăn, vận động, cách tiêm insulin tại nhà, cũng như những dấu hiệu nhận biết, sơ cứu khi bé gặp biến chứng…
Trẻ mắc bệnh tăng theo từng năm
Theo tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh - Trưởng khoa Thận nội tiết Bệnh viện Nhi Đồng 2 - số trẻ em bị đái tháo đường đang có dấu hiệu tăng theo từng năm, hiện khoa đang quản lý thêm 200 ca bệnh mới, nâng số lượng trẻ mắc đái tháo đường lên 300 ca, từ 0-16 tuổi. Lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là từ 10-16 tuổi, tỉ lệ nam, nữ gần như nhau. Đáng lưu ý, khi người thân của các bé được thông báo về bệnh của con mình, hầu như đều rất sốc, cho rằng có sự nhầm lẫn bởi không nghĩ trẻ em mắc bệnh này.
Bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh cho biết, khoảng 70% trẻ em mắc bệnh đái tháo đường type 1. Nguyên nhân thường từ các rối loạn tự miễn, bệnh về gen, di truyền. Hay sau những đợt trẻ bị nhiễm trùng, siêu vi, vi trùng… cơ thể sẽ kích hoặc phản ứng miễn dịch, tạo kháng thể chống lại và phá hủy tế bào tụy, làm cho chức năng tụy giảm dần và dẫn đến đái tháo đường. Nguyên nhân đáng lo ngại là đái tháo đường type 2, liên quan đến việc ăn uống, vận động, sinh hoạt... của trẻ. Nhất là trẻ thừa cân, béo phì. Nếu như những năm trước, chỉ có khoảng hơn 10% trẻ mắc đái tháo đường từ vấn đề này, thì hiện tại tỉ lệ trẻ mắc bệnh đang tăng nhanh, chiếm 30% số ca bệnh tại đây.
“Đái tháo đường là bệnh mạn tính, cơ thể phụ thuộc vào insulin, nên gần như các bé phải điều trị, tiêm insulin suốt đời. Đặc biệt với đái tháo đường type 1, có những bé phải tiêm insulin 3-4 lần/ngày. Gia đình cần phải phối hợp chặt chẽ với bệnh viện trong quá trình điều trị, nếu không sẽ rất khó kiểm soát bệnh dẫn đến các biến chứng nặng nề lên thận, mắt, tim mạch, não... của trẻ. Chưa kể, khi đường huyết quá cao thì cơ chế miễn dịch của cơ thể giảm xuống, trẻ không có đề kháng nên dễ bị nhiễm trùng, nếu có vết thương khó lành” - bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh nói.
Hiện nay, chưa có phương thức nào có thể điều trị dứt điểm đái tháo đường, vì vậy cha mẹ cần cho con điều trị đúng phác đồ, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về tiêm đúng, đủ liều lượng insulin cho trẻ tại nhà. Tránh tự ý cho trẻ uống thực phẩm chức năng, các loại thuốc dân gian truyền miệng... bởi trẻ rất dễ gặp các biến chứng nguy hiểm. Đã từng có trẻ được bệnh viện điều trị ổn định, nhưng khi về nhà người thân cho uống thuốc không rõ nguồn gốc, gây sốc, hôn mê, thậm chí suy thận, phải lọc máu suốt đời.
Những dấu hiệu cho thấy có thể trẻ bị bệnh đái tháo đường
Thông thường, khi trẻ có biểu hiện đi tiểu nhiều, cảm thấy khát và uống nước liên tục, chán ăn, sụt cân nhanh… là những dấu hiệu gợi ý bệnh. Ngoài ra, trẻ trên 10 tuổi thừa cân béo phì, phụ huynh nên đưa đi tầm soát đái tháo đường để được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Để phòng ngừa bệnh đái tháo đường cho trẻ, người lớn cần chăm sóc, theo dõi bệnh cho trẻ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tránh cho trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm vi rút, vi trùng nặng. Với trẻ lớn, cần tập cho trẻ chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục nâng cao sức khỏe; hạn chế ăn thức ăn nhanh, uống nước ngọt, đồ ăn nhiều dầu mỡ... nhằm giảm nguy cơ trẻ mắc đái tháo đường type 1, 2.
|
Theo phụ nữ TPHCM