Thông tin do bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ tại buổi Tọa đàm "Mang thai an toàn, sinh con khỏe mạnh", vừa diễn ra trên VnExpress. Chương trình còn có sự tham gia của Tiến sĩ, bác sĩ Cam Ngọc Phượng - Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM; Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.


Vì sao trẻ sinh non?

Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, số trẻ sinh non ở Việt Nam (trước 34 tuần) có xu hướng tăng. Ngày càng nhiều trẻ sinh cực non ở các tuần 24, 25, 26, 27, dưới một kg - vốn ít xuất hiện hơn chục năm trước. Mỗi năm thế giới có khoảng 15 triệu trẻ sinh non; trong đó, có một triệu trẻ tử vong.

Nguyên nhân có thể do mẹ mắc bệnh mạn tính: cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh nội tiết như cường giáp, nhược giáp, suy giáp, tiền sản giật, dị dạng tử cung, từng nạo phá thai... Cơ thể không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi trong các trường hợp nhau tiền đạo, thiểu năng nhau thai dễ gây ra tình trạng sinh non.

Thai phụ từ 35 tuổi trở lên, làm việc nặng, stress quá mức trong thời gian mang thai cũng làm tăng nguy cơ sinh sớm. Nguyên nhân khiến trẻ sinh non tháng còn liên quan đến bất thường như vỡ ối non, đa ối, đa thai, thai dị dạng...

Mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám thai để tầm soát, dự phòng các biến chứng có thể dẫn đến sinh non. Người có nguy cơ mắc tiền sản giật cần được theo dõi chặt chẽ trong 3 tháng đầu. Ba tháng giữa, tuần 24-28 cần tầm soát đái tháo đường. Ba tháng cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ, chuẩn bị cho cuộc sinh, dự báo nguy cơ sinh non như: trước đây người mẹ có vết mổ, có tình trạng nhau cài răng lược, nhau tiền đạo, thiểu năng nhau thai...

Với người mang song thai, từng sinh non (sinh lúc thai chưa tròn 34 tuần, hai lần mang thai và đều sinh trước khi thai đạt độ tuổi trưởng thành, tuổi thai ngày càng ngắn...) càng cần thăm khám thai chặt chẽ hơn.

"Không chỉ phụ nữ từng sinh non mà người mang thai lần đầu cũng nên khám thai định kỳ đầy đủ, thực hiện các xét nghiệm giúp phát hiện bất thường từ sớm để can thiệp kịp thời", bác sĩ Mỹ Nhi nói thêm.



                          Bác sĩ Mỹ Nhi (bên phải) và bác sĩ Ngọc Phượng (bên trái) nhận nhiều câu hỏi của độc giả tư vấn về việc mang thai an toàn, nuôi con khỏe mạnh.

Bà bầu nên lưu tâm đến những dấu hiệu bất thường như các cơn co thắt tử cung nhưng ở tuổi thai sớm. Với người đã từng sinh non, để dự phòng ở lần mang thai sau, cần nêu rõ tiền thai của bản thân như sinh non bao nhiêu tuần, thời gian sinh (như vào bệnh viện là sinh liền, sinh ra một em bé còn sống...). Bởi đây là những dấu chỉ báo cho thấy có thể sinh non một lần nữa. Bác sĩ sẽ sàng lọc độ dài cổ tử cung ở tuần 18 và 20. Những phụ nữ từng một lần sinh non, ít nhất dưới 34 tuần, tiền căn sẩy thai liên tiếp, tuổi thai nhỏ dần... cần đặt thuốc, khâu eo (nếu dưới 24 tuần), trên 24 tuần thì vừa đặt thuốc vừa dùng vòng nâng.

Những tiến bộ của y học giúp cứu sống trẻ sinh non

Cứu sống và chăm sóc trẻ sinh non để trẻ phát triển khỏe mạnh là "cuộc chiến" vì mất nhiều thời gian, đòi hỏi bác sĩ nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật cao, theo bác sĩ Ngọc Phượng. Bởi các bé gặp biến chứng, đe dọa đến tính mạng, do não, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, miễn dịch... chưa hoàn thiện.

Trong trường hợp trẻ sinh non hoặc cực non, vấn đề hồi sức sau sinh rất quan trọng, quyết định điều trị về sau. Hiện nay, thế giới có phác đồ giờ "vàng", nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử trí 60 phút đầu sau khi trẻ sinh. Bác sĩ có thể ổn định thân nhiệt, giúp bé không suy hô hấp, thiết lập đường truyền tĩnh mạch để truyền dung dịch nuôi ăn...

Phương pháp điều trị cho trẻ sinh non trên thế giới theo chiều hướng ít xâm lấn và Việt Nam đã làm chủ những kỹ thuật này. Như tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bác sĩ đặt catheter rốn vào đường thở để bé thở bằng mũi, thay vì đặt nội khí quản hay cho bé thở máy bởi cai thở máy cho trẻ sinh non rất khó.

Bác sĩ Ngọc Phượng trấn an các gia đình có bé sinh non không nên quá lo lắng nhưng cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để phát triển bình thường.
Bác sĩ Ngọc Phượng (bên phải) hội ý với bác sĩ Kim Thoa (bên trái) khi nhận các câu hỏi của độc giả. Các bác sĩ trấn an các gia đình có bé sinh non không nên quá lo lắng nhưng cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để phát triển bình thường.

Chăm sóc trẻ sinh non đòi hỏi tất cả quy trình, thủ thuật phải chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về rửa tay, xử lý dụng cụ đúng quy trình. Kiểm soát nhiễm khuẩn quyết định vấn đề nuôi em bé sinh non thành công hay thất bại. Bác sĩ Ngọc Phượng dẫn chứng có trường hợp nuôi em bé sinh non tới một tháng nhưng sau đó em bé bị nhiễm khuẩn bệnh viện và không qua khỏi. Nhiễm khuẩn bệnh viện nếu không làm tốt thì chỉ như xây lâu đài trên cát và cần đặc biệt quan tâm.

Chăm sóc trẻ sinh non

Trẻ sinh non có thể được xuất viện khi bệnh nền ổn định, tăng 30-50 gram trong 3 ngày liên tiếp. Trẻ có thể tự kiểm soát thân nhiệt, tức ra khỏi lồng ấp mà vẫn không hạ thân nhiệt, ổn định nhiệt độ, trẻ tự đảm bảo hô hấp (tự thở, không cần hỗ trợ mà không ngưng thở kéo dài, không tím), tự bú sữa. Trước khi xuất viện, bác sĩ sẽ kiểm tra toàn diện cơ thể, tầm soát đến 73 bệnh lý thông qua gói tầm soát toàn diện. Trẻ cần tái khám theo lịch để tầm soát thính lực, bệnh lý võng mạc và các bệnh thường gặp.

Bác sĩ Kim Thoa chia sẻ thêm, nuôi trẻ sinh non nói riêng và các bé nói chung là quá trình đòi hỏi sự đầu tư, chăm chút của cha mẹ, cả về thời gian, công sức, nhất là những tháng năm đầu đời. Từ sơ sinh đến 5 tuổi, các bé thường xuyên mắc bệnh vì đây là giai đoạn hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Từ 6 tháng tuổi, kháng thể của mẹ truyền sang con giảm dần, trong khi khả năng tạo miễn dịch của trẻ chỉ gần hoàn chỉnh từ 3 tuổi về sau. Trẻ sinh non thường có sức đề kháng kém hơn, lại càng dễ mắc bệnh.

Những bệnh truyền nhiễm có vaccine dự phòng như bạch hầu, sởi, ho gà, phế cầu..., trẻ cần tiêm ngừa đầy đủ. Tay chân miệng chưa có vaccine hoặc sốt xuất huyết dù đã có vaccine nhưng chưa được FDA phê duyệt để dùng rộng rãi thì biện pháp phòng bệnh quan trọng là rửa tay, vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường sống...

Từ giai đoạn mang thai đến khi sinh con, người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng. Khi trẻ ra đời, chế độ dinh dưỡng cho con cũng rất quan trọng, bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu, nhất là với bé sinh non cần tăng cường sức đề kháng qua nguồn giàu dinh dưỡng này.

Theo các bác sĩ, mang thai an toàn, nuôi con khỏe mạnh là cả hành trình dài, người mẹ cần trang bị kiến thức để chăm sóc sức khỏe bản thân và em bé đúng cách. Có như thế, con mới phát triển toàn diện thể chất, trí tuệ, bậc cha mẹ tận hưởng niềm hạnh phúc nhìn con trưởng thành, vui khỏe mỗi ngày. Xem chi tiết tư vấn của bác sĩ cho các độc giả tại đây.

Theo vnexpress