|
|
Sự kỳ thị và thiếu quan tâm của xã hội khiến nhiều người tìm đến cái chết |
Nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (10/10), tiến sĩ Andrea Bruni, cố vấn khu vực của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về sức khỏe tâm thần ở Đông Nam Á cho biết, sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần vẫn còn phổ biến ở khu vực này.
Theo thống kê của WHO, khoảng 260 triệu người ở Đông Nam Á (khoảng 1/7 dân số) đang sống với tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần và nhiều người trong số họ không được điều trị kịp thời.
Tiến sĩ Andrea Bruni nói rằng tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần rất phổ biến trong khu vực. Trong khi đó, khoảng cách điều trị là rất lớn. “Ở một số quốc gia, có tới 90% những người có nhu cầu về sức khỏe tâm thần không được điều trị, chăm sóc phù hợp, kịp thời hoặc không có gì cả".
Sự kỳ thị sức khỏe tâm thần vẫn còn nặng nề
Tiến sĩ Bruni lưu ý rằng sự kỳ thị về sức khỏe tâm thần vẫn còn rất phổ biến ở Đông Nam Á. “Sự kỳ thị chuyển thành sự phân biệt đối xử đối với những người gặp vấn đề về tâm thần. Sự kỳ thị đặc biệt rõ rệt đối với những người có tình trạng nghiêm trọng".
Ông nói thêm rằng những người mắc bệnh cần được điều trị, chăm sóc và hỗ trợ tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần, bệnh viện tâm thần nhưng ở khu vực này dường như rất khó tìm thấy. “Thực tế là những người mắc bệnh tâm thần cần được tiếp cận các dịch vụ tại cộng đồng, những dịch vụ dễ tiếp cận hơn và tôn trọng họ hơn".
Theo tiến sĩ Bruni, ở một số quốc gia đã có những cái nhìn tích cực hơn và mọi thứ đang dần thay đổi. “Mọi thứ đang thay đổi thông qua sự tham gia chăm sóc của nhiều đơn vị, cá nhân có kinh nghiệm hoặc những người từng trải qua giai đoạn khó khăn này và sau đó họ muốn cống hiến để giúp đỡ người khác".
Nâng cao và quan tâm sức khỏe tâm thần
Vào Ngày Sức khỏe Tâm thần năm nay, WHO đang tập trung vào quyền được quan tâm, chăm sóc để có sức khỏe tâm thần tốt. “Sức khỏe tâm thần tốt rất quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người và tác động tốt đến xã hội. Nhưng thật không may, trên toàn thế giới cũng như ở khu vực Đông Nam Á, những người mắc bệnh tâm thần vẫn phải hứng chịu nhiều thiệt thòi và nhiều người bị loại khỏi cộng đồng và xã hội" - tiến sĩ Bruni nói.
Theo cơ quan y tế Liên hiệp quốc, tính đến năm 2019, gần 1 tỉ người (tức khoảng 1/8), trên khắp thế giới sống với tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần.
Các chuyên gia ước tính con số này hiện cao hơn nhiều, trong bối cảnh những căng thẳng toàn cầu gần đây như đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra. Tiến sĩ Bruni cho biết: “Mặc dù có nhiều nghiên cứu cho thấy cần phải đầu tư nhiều hơn cho sức khỏe tâm thần, nhưng vẫn có sự không phù hợp. Điều quan trọng là phải đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho sức khỏe tâm thần".
|
Sự kỳ thị và thiếu quan tâm của xã hội khiến nhiều người tìm đến cái chết |
Các chuyên gia cho biết vẫn còn nhiều khoảng trống cần được lấp đầy trong việc quan tâm và chăm sóc những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Những khoảng trống này bao gồm nghiên cứu không đầy đủ, chính sách không đầy đủ, chi tiêu ít ỏi và phạm vi điều trị kém. “Hầu hết những đầu tư từ nhân lực đến tài chính cho sức khỏe tâm thần đều rất thấp. Điều quan trọng là phải đảo ngược xu hướng này và nên đầu tư vào việc củng cố, mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần trong cộng đồng” - tiến sĩ Bruni khuyến cáo.
Thanh niên bị rối loạn tâm thần ngày càng tăng
Theo WHO, rối loạn tâm thần vẫn nằm trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới. 2 tình trạng phổ biến nhất là trầm cảm và rối loạn lo âu.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng những chứng rối loạn đang trở nên nghiêm trọng ở giới trẻ: “Chắc chắn có sự gia tăng, kể cả sau COVID-19, về tình trạng lo lắng và trầm cảm ở thanh niên và thanh thiếu niên" - tiến sĩ Bruni cho biết và nhấn mạnh một chủ đề liên quan đến tình trạng này cần bắt tay làm ngay đó là phòng ngừa tự tử.
Tự tử cũng là một mối lo ngại cấp bách mà các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đang tìm cách giải quyết. Theo WHO, ước tính có khoảng 200.000 người trong khu vực tự tử mỗi năm. “Chúng tôi biết rằng tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở giới trẻ ở nhiều quốc gia” - tiến sĩ Bruni nói và lưu ý rằng có một số biện pháp can thiệp cụ thể mà các quốc gia có thể thực hiện, chẳng hạn như quản lý những người có ý định tự tử, xây dựng các kỹ năng giúp điều chỉnh cảm xúc của thanh thiếu niên.
“Ở khu vực này, chúng tôi biết rằng phương tiện phổ biến nhất là thuốc trừ sâu. Vì vậy, chúng ta cần quản lý, hạn chế và cấm tiếp cận thuốc trừ sâu" - tiến sĩ Bruni cảnh báo đây là một thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. “Chúng ta cần nỗ lực giải quyết vấn đề này vì chúng ta biết rằng các vụ tự tử có thể phòng ngừa được, nhưng ngăn chặn chúng không phải là nhiệm vụ dễ dàng”.\
Theo phụ nữ TPHCM