leftcenterrightdel
 

Nhiều đêm, khi cả thành phố chìm vào giấc ngủ, đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh hay kỹ thuật viên tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (BVĐK Tâm Anh) vẫn miệt mài trong ca trực, ân cần chăm sóc người bệnh.

Những lời hứa chẳng vẹn tròn

Gặp nữ điều dưỡng Từ Thị Huệ (khoa Ngoại Tiết niệu BVĐK Tâm Anh) khi vừa kết thúc 12 tiếng xuyên đêm túc trực bên người bệnh, chúng tôi bất ngờ khi nhìn vào đôi mắt rạng rỡ, khuôn mặt tươi tắn của chị. Chị cười hiền: “10 năm gắn bó với nghề, nhịp sinh hoạt cũng thay đổi nhiều”.

leftcenterrightdel
 

Ngoài gia đình, chị có 5-6 “người thân” để chăm lo ở bệnh viện. “Tour ngày” hay “tour đêm” của bộ phận điều dưỡng đều tròn 12 tiếng, gắn với những công việc quen thuộc như cùng bác sĩ theo dõi kế hoạch chăm sóc, hỗ trợ thực hiện y lệnh của bác sĩ về thuốc truyền dịch, chăm sóc vết thương, theo dõi sinh hiệu…

“Việc thì quen tay nhưng cảm xúc khi tiếp xúc từng người bệnh lại khác”, chị trầm tư.

Vào viện, người bệnh nhớ nhiều đến bác sĩ, ít nhớ mặt điều dưỡng viên. Tuy nhiên, việc xuất viện nhanh hay không cũng nhờ một phần vào sự chăm sóc của chúng tôi.

Điều dưỡng Từ Thị Huệ - khoa Ngoại Tiết niệu BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Ký ức vẫn như mới khi chị nhớ lại khoảng thời gian chăm sóc cho một người bệnh ung bướu, ròng rã 3 tháng lo từng miếng ăn, giấc ngủ. “Cô hứa với tôi ngày ra viện, việc đầu tiên làm là mời Huệ qua Bitexco uống cà phê. Điều ước đơn giản là thế nhưng tôi biết khó lắm. Lúc cô mất, lời hứa này cũng vĩnh viễn không thể thực hiện. Cũng có một cô hứa nấu bữa thật ngon mời tôi, giờ chẳng biết gặp ai để đòi bữa cơm ấy. Những lời hứa này theo tôi suốt 10 năm rồi…”, chị Huệ kể lại.

Nói về công việc đã gắn bó cả thập kỷ, chị thừa nhận điều dưỡng chẳng phải nghề danh tiếng nhưng thành quả thì ngọt ngào.

Ở bệnh viện, điều dưỡng phải thay thân nhân làm phần việc tế nhị nhất. Thậm chí có những lần chị thay họ tiễn người bệnh đoạn cuối đường. Những nỗi niềm này được chị nén chặt vào lòng, dùng sự tận tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Công việc vất vả là thế, chị vẫn không quên dành thời gian trau dồi nghiệp vụ. Ngoài liên tục phổ cập cách sử dụng thiết bị mới như máy truyền dịch, máy bơm tiêm điện, máy đo huyết áp hay máy sốc tim, tại BVĐK Tâm Anh, chị được tham gia các khoá đào tạo chuyên môn kỹ thuật của nhiều chuyên khoa như IVF, Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Sơ sinh,… hay các lớp về kỹ năng giao tiếp và ứng xử với người bệnh. Đây là cơ hội để chị phát triển xa hơn và vững bước với nghề.

leftcenterrightdel
 

Những đêm trắng túc trực trước phòng mổ

“Phát triển vượt bậc” là cách mà anh Nguyễn Thanh Tài - Kỹ thuật viên trưởng, Trung tâm Xét nghiệm BVĐK Tâm Anh TP.HCM - nói về nơi làm việc gắn bó suốt hai năm qua, từ lúc trung tâm bắt đầu xây dựng và đi vào vận hành.

Thời gian cao điểm, trung tâm tiếp nhận trung bình hơn 800 mẫu xét nghiệm mỗi ngày. Qua quá trình tiếp nhận và xử lý, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến các phòng lab để tiến hành phân tích, thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật viên phải đảm bảo trả kết quả cho khách hàng trong thời gian ngắn nhất, với độ chính xác cao nhất.

Nhiều lần tôi nhận được câu hỏi ‘kỹ thuật viên xét nghiệm tại sao phải trực 24/24?’. Thực tế chúng tôi phải sẵn sàng phối hợp cùng các khoa, phòng khác để người bệnh được cấp cứu, điều trị nhanh nhất có thể.

Anh Nguyễn Thanh Tài - Kỹ thuật viên trưởng Trung tâm Xét nghiệm BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Dù phải hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, áp lực lớn về thời gian, kỹ thuật viên tại trung tâm vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, trau dồi thêm kỹ năng nghề nghiệp. Với nhiều thiết bị hiện đại, kỹ thuật viên cần nhiều thời gian để học hỏi cách thao tác để đạt hiệu quả tối ưu khi vận hành.

“Nhiều lần tôi nhận được câu hỏi ‘kỹ thuật viên xét nghiệm tại sao phải trực 24/24?’. Thực tế chúng tôi phải sẵn sàng phối hợp cùng các khoa, phòng khác để người bệnh được cấp cứu, điều trị nhanh nhất có thể”, anh Tài nói.

Sau 8 năm gắn bó với nghề, anh Tài chia sẻ BVĐK Tâm Anh là nơi có lab xét nghiệm đầy đủ các phòng chuyên môn và trang thiết bị hiện đại. Trung tâm phục vụ nhu cầu lâm sàng gồm huyết học - truyền máu, sinh hóa - miễn dịch, sinh học phân tử, vi sinh - ký sinh trùng, sắc ký lỏng cao áp phân tích vi chất, vitamin và giải phẫu bệnh.

“Đây là hệ thống mà chỉ một số ít bệnh viện tư có được, sau khi thành lập chỉ một năm”, anh Tài chia sẻ thêm.

Với mục tiêu đạt được chứng nhận quản lý chất lượng phòng xét nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 15189:2012 trong năm nay, cả tập thể Trung tâm Xét nghiệm không ngừng nỗ lực hướng đến mục tiêu “Hiện đại - chuẩn xác - nhanh chóng - kịp thời”.

leftcenterrightdel
 

Trăn trở nơi hậu phương

Suốt 15 năm gắn bó với công việc nữ hộ sinh, chị Nguyễn Ngọc Trí chẳng đếm được bao nhiêu lần khóc thầm khi nhận lời trách móc từ con gái - “mẹ chỉ dành thời gian cho em bé khác mà không đưa con đi chơi”. Lúc đó, chị tự hỏi vì sao bản thân gắn bó với công việc lắm vất vả, đầy hy sinh này?

Tôi yêu nghề nên bằng giá nào cũng phải làm việc. Tôi nghĩ bản thân có thể gắn bó với nghề hộ sinh suốt đời, đến khi nào không thể làm nữa.

Chị Nguyễn Ngọc Trí - Hộ sinh, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Từ bé, chị Trí đã yêu màu áo blouse, yêu trẻ nhỏ. Cảm xúc khi được ẵm từng em bé còn đỏ hỏn, ngắm nhìn sinh linh vừa chào đời, giúp mẹ da kề da với bé sau sinh,… vẫn vẹn nguyên như ngày chị mới vào nghề.

Trong vai trò hộ sinh, ngoài chăm sóc em bé và hỗ trợ mẹ, mỗi ngày chị phải đảm trách nhiều việc như giao ban, nhận trực, thực hiện thuốc, nhận bệnh mới, chuyển bệnh mổ (nếu có), chuẩn bị hồ sơ cho bác sĩ, tắm em bé, hướng dẫn mẹ cho bé bú, thực hiện y lệnh bác sĩ như đo ốc tai, truyền dịch…

Nghề hộ sinh không ít vất vả vì phải chăm cả mẹ lẫn bé. Đặc biệt, giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều thai phụ không có người nhà hỗ trợ chăm bé, chị và các đồng nghiệp phải chăm sóc mẹ và con từ lúc sinh đến khi rời viện, lo từng cữ bú, ẵm bế trắng đêm.

Dù vậy, không phải lúc nào cảm xúc của chị cũng tích cực, nhất là khi bản thân làm chưa trọn vẹn công việc. Lúc ấy, những lời cảm ơn nhận lại, tiếng gọi “mẹ nuôi” của gia đình thai phụ đã níu chị lại với nghề. Để có thể chăm sóc chu toàn nhất, chị coi mỗi thai phụ là người nhà mà dành hết tình thương.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vì quá lo lắng vợ nhiễm bệnh nên chồng chị đã khuyên nghỉ việc. “Tôi yêu nghề nên bằng giá nào cũng phải làm việc. Tôi nghĩ bản thân có thể gắn bó với nghề hộ sinh suốt đời, đến khi nào không thể làm nữa”, chị tâm sự.

Là bệnh viện chuyên môn cao về khám, chữa bệnh trong nhiều lĩnh vực, trong đó có sản phụ khoa và nhi khoa, bộ phận hộ sinh của bệnh viện được đào tạo bài bản. Chị thường xuyên tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, kiến thức mới về nuôi con bằng sữa mẹ, thay đổi quy định từ Bộ Y tế… So với khi làm việc tại các đơn vị cũ, tại BVĐK Tâm Anh, chị chỉ phải trực đêm theo ca khoảng 12 tiếng thay vì túc trực 24/7. Chị hào hứng kể, bản thân có thể dành thêm thời gian cho con, chăm sóc gia đình khi đổi việc.

“Vật tư y tế mới, tiên tiến là ưu điểm rất lớn. Những bệnh viện trước kia tôi làm chưa có đủ máy móc hiện đại như đo tim thai tích hợp nhiều thông số mới, giường bệnh cải tiến… Ở đây, tất cả rất bài bản. Môi trường làm việc cũng là lý do khiến tôi muốn gắn bó lâu dài”, chị nói.

Chia sẻ của chị Trí cũng là tâm tư của tất cả nhân viên hộ sinh, điều dưỡng, kỹ thuật viên đang làm việc tại BVĐK Tâm Anh. Mang trong mình sứ mệnh y đức, họ vượt qua nỗi niềm riêng, trở thành cánh tay phải của bác sĩ cũng như thân nhân của người bệnh. Niềm vui lớn lao của họ là ngày đêm lặng thầm làm việc với tinh thần trách nhiệm, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục sức khỏe dù đôi lúc chẳng được nhớ mặt, đặt tên.

Theo zingnews